
Chùa Hương Lãng là một trong những địa điểm du lịch Hưng Yên nổi tiếng. Chùa có tuổi đời gần 1000 năm với lối kiến trúc độc đáo, không gian yên bình cùng giá trị văn hóa, lịch sử lâu đời. Nơi đây thu hút du khách, Phật tử thập phương tìm về tham quan, chiêm bái, tìm hiểu lịch sử, kiến trúc chùa.
Chùa Hương lãng có tuổi đời gần 1000 năm với kiến trúc cổ xưa độc đáo (Ảnh: Sưu tầm)
Chùa Hương Lãng tên chữ là Giác Viên Tự, thường được người dân địa phương gọi với các tên quen thuộc là chùa Lạng, chùa ông Sấm. Chùa nằm tại thôn Hương Lãng, xã Minh Hải, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Theo sử sách ghi lại thì chùa Hương Lãng được xây dựng dưới thời Lý, vào năm 1115 bởi Thái hậu Ỷ Lan Nguyên Phi.
Chùa Hương Lãng có quy mô lớn. Ngoài thờ Phật, chùa còn thờ người có công khởi lập là Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan. Ngày này, ngôi chùa ở Hưng Yên này là địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng, thu hút du khách thập phương tìm về tham quan, chiêm bái cầu bình an, may mắn.
Không gian yên bình, nhẹ nhàng của chùa Hương Lãng (Ảnh: Sưu tầm)
Chùa Hương Lãng có quy mô lớn, nằm trên diện tích ngót một héc ta. Chùa bao gồm nhiều tòa, có cổng tam quan với ba lối vào và bậc tam cấp dẫn lên một nền phẳng. Chùa được chia thành ba cấp, khu chính nằm ở cấp thứ 3, từ cấp này lên cấp thứ kia có 3 lối đi lên. Khu chính có Phật điện, nhà tăng và nhà hội đồng.
Tòa đại bái của chùa Hương Lãng quay hướng chính chùa, có hướng nhìn ra sông Lạng, với quy mô 7 gian, dài 20m, rộng 5m. Toà tiền đường xây theo kiểu kiến trúc vì kèo con chồng đấu sen có bốn hàng chân cột. Các cột được kê trên những tảng kê bằng đá trang trí hoa văn hình cánh sen. Các bộ vì kèo đều được làm bằng gỗ lim có chạm khắc hoa văn theo các đề tài hoa lá cách điệu đẹp mắt. Tòa hậu cung của chùa có kiến trúc kiểu chồng diêm, bao gồm hai tầng tám mái. Trong kháng chiến chống Pháp, chùa Hương Lãng bị phá huỷ, hư hại nhiều. Đến năm 1955, chùa mới được trùng tu lại.
Chùa Hương Lãng được khởi dựng từ thời nhà Lý (Ảnh: Sưu tầm)
Chiêm ngưỡng những hiện vật quý giá
Tượng sư tử đá
Tượng sư tử đá chùa Hương Lãng được tạo tác vô cùng tinh xảo và sáng tạo. Tượng tạc hình sư tử đầu đội tòa sen tạo thành bệ đá lớn được đặt ở giữa tòa hậu cung. Bệ đá được ghép bằng các viên đá vuông chạm hình hoa sen mềm mại. Bệ đá có tổng chiều dài lên đến 4,2m, rộng đến 3,5m, cao 1,15m. Các khối nổi trên bề tượng nhẵn, êm, không có góc cạnh gồ ghề, mang nét đặc trưng riêng của nghệ thuật điêu khắc thời nhà Lý.
Hệ thống thành bậc đá
Hệ thống thành bậc đá chùa Hương Lãng nằm ngay trước Phật điện. Hệ thống thành bậc đá của chùa khá đồ sộ bao gồm những thành bậc bằng đá, trước vốn là các bậc cấp nằm 2 bên dẫn lên chùa. Các thành bậc đá được chạm hình tượng phượng, sấu, hoa cúc dây, hình chim phượng có đuôi dài cuộn sóng, chân co lên trong tư thế đang chồm tới phía trước. Tất cả đều được chạm khắc khéo léo tinh tế, tạo nên các hình ảnh sinh động, linh hoạt, uyển chuyển.
Trải qua gần nghìn năm, hệ thống bậc đá của chùa Hương Lãng đã không còn nguyên vẹn. Tuy nhiên, những dấu vết còn lại cho thấy, hệ thống thành bậc đá của chùa Hương Lãng ở thời kỳ khởi lập có số lượng lớn và mức độ cầu kỳ.
Các hiện vật từ thời nhà Lý
Chùa Hương Lãng Hưng Yên còn lưu giữ nhiều hiện vật dưới thời Lý có giá trị văn hóa, lịch sử như: những tảng đá chân cột được chạm khắc hình hoa cúc, cánh sen tinh vi, tỉ mỉ, cầu kỳ, 4 cột đá vuông góc đỡ các xà đá….
Với những giá trị về văn hóa, lịch sử, nghệ thuật, kiến trúc để lại, vào năm 1974, chùa Hương Lãng đã được xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.
Tượng sư tử đá ở chùa Hương Lãng Hưng Yên (Ảnh: Sưu tầm)
Lễ hội truyền thống chùa Hương Lãng được tổ chức hằng năm vào ngày mùng 10 tháng 3 Âm lịch. Vào dịp này, nhân dân trong vùng cùng Phật tử và du khách thập phương lại hành hương, tụ họp về đây tham dự lễ hội truyền thống của chùa.
Tượng sấu đá đặt trước cổng chùa với các hình chạm khắc khéo léo, tỉ mỉ (Ảnh: Sưu tầm)
Về huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, ngoài tham quan chùa Hương Lãng, du khách đừng quên ghé thăm các địa điểm du lịch thú vị khác của nơi đây như: chùa Nôm Hưng Yên cổ kính, linh thiêng; chùa Pháp Vân; đền Ghênh; làng nghề truyền thống đúc đồng Lộng Thượng hay cánh đồng hoa cúc chi vàng óng, đẹp nên thơ…
Làng nghề truyền thống đúc đồng Lộng Thượng (Ảnh: Sưu tầm)
Để chuyến tham quan chùa Hương Lãng Hưng Yên được trọn vẹn, bạn đừng quên bỏ túi một số kinh nghiệm sau:
Chọn trang phục lịch sự khi đi lễ chùa, tránh ăn mặc hở hang đến nơi tôn nghiêm.
Lễ chùa chỉ cần lòng thành, vật lễ có thể mang hương hoa, bánh trái, không mang lễ mặn.
Vào cổng Tam quan của chùa, bạn nên đi vào cửa Giả quan (bên phải) và đi ra bằng cửa Không quan (bên trái). Tránh đi cửa Trung quan, cửa này thường chỉ dành cho Thiên tử, các bậc cao tăng ra vào chùa.
Không tự ý sử dụng, lấy hay sờ mó những đồ vật bày trí trong chùa.
Vào Phật đường, Tam bảo, không nên hút thuốc, nhai trầu, nên cởi giày dép để bên ngoài.
Không xả rác bừa bãi.
Tránh quay phim, chụp ảnh lung tung, ảnh hưởng đến không khí trang nghiêm của chùa.
Tuân thủ quy định của nhà chùa.
Đến lễ chùa, du khách chú ý ăn mặc lịch sự, giữ trật tự, không gây ồn ào (Ảnh: Sưu tầm)
Hệ thống thành bậc đá chùa Hương Lãng bao gồm 6 bộ thành bậc chạm khắc hình sấu đá quay đầu ra phía trước, được bố trí tại lối lên xuống cửa chùa, tạo tác liền khối bằng loại đá sa thạch, hình thang vuông, chạm khắc tinh xảo. Đây là hiện vật gốc độc bản, có hình thức thể hiện độc đáo, có giá trị lịch sử, văn hoá, nghệ thuật tiêu biểu và đặc sắc. Hiện nay, chùa Hương Lãng là ngôi chùa duy nhất trên cả nước có số lượng các thành bậc đá thời Lý còn tương đối nguyên vẹn, đầy đủ nhất và nhiều nhất mà chưa có di tích nào có thể so sánh được.
Bên cạnh đó, còn nhiều tảng đá chân cột chạm khắc cánh hoa sen và hoa cúc rất tỉ mỉ và tinh vi. Đây là những tác phẩm vô giá của thời Lý còn được lưu giữ.
Với những giá trị về văn hoá – lịch sử, nghệ thuật kiến trúc, chùa đã được xếp hạng là di tích “ Kiến trúc nghệ thuật” cấp Quốc gia năm 1974. Nơi đây là một điểm tham quan, nghiên cứu hấp dẫn đối với du khách.
Chùa Hương Lãng là công trình cổ có kiến trúc đặc sắc, còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, kiến trúc, lịch sử. Ngôi cổ tự có gần 1000 năm tuổi này là một trong những địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng hút khách, niềm tự hào của người dân Hưng Yên. Nếu có dịp đặt chân đến đất Hưng Yên, bạn nhớ ghé thăm ngôi chùa cổ linh thiêng này nhé!