
Theo sử sách về dựng nước và giữ nước của dân tộc ta thì vào những năm đầu thế kỷ trong lúc đất nước lâm nguy, dân tình cực khổ ở mảnh đất Song Quan (thuộc xã Hiền Quan ngày nay) đã xuất hiện một nữ anh hùng giúp Hai Bà Trưng đánh đuổi giặc Hán xâm lược đó là vị sư Thiều Hoa Công Chúa. Bà Thiều Hoa sinh vào tháng giêng năm Quý Tỵ, con một nông dân nghèo ở Động Lăng Sương thuộc huyện Thanh Châu (ngày nay là huyện Thanh Thuỷ). Lúc thiếu thời bà là người có nhan sắc, chăm chỉ siêng năng cần cù lao động và giỏi nghề săn bắn. Thời niên thiếu trong những buổi chăn trâu, hái củi trên núi Tản, bà đã cùng các bạn bè đẽo củ tre dùng gậy khăng chia làm hai phe chơi phết, dùng cây chuối làm bia phóng lao. Buổi đầu là trò chơi của những kẻ chăn trâu, cắt cỏ nhưng năm tháng đã giúp bà thêm sức mạnh và ngày càng thông thạo võ nghệ được nhân dân trong vùng thán phục. Khi đến tuổi trưởng thành, nhiều thanh niên trai tráng con các hào trưởng, tộc trưởng muốn hỏi bà làm vợ nhưng bà từ chối và xin ở lại để đền đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ. Khi cha mẹ bà lần lượt qua đời, bà vô cùng thương tiếc và rời Động Lăng Sương đi tìm cảnh phật làm nữ tu hành. Qua nhiều nơi, đến làng Song Quan có ngôi chùa Phúc Khánh, thấy nơi đây cảnh quan đất trời rất đẹp bà xin ở lại ngôi chùa (chính là ngôi chùa Hiền Quan ngày nay). Sống trong cảnh đất nước bị bon giặc Hán phương bắc xâm lược, đàn áp dân lành bà căm giận vô cùng, có lần tự bà cầm lao chạy thẳng tới quân thù nhưng được sư thầy chủ trì chùa Phúc Khánh kịp thời can ngăn. Cảm kích trước tấm lòng của sư thầy, bà đã học chữ và luyện võ nuôi trí lớn chờ dịp đứng lên đánh đuổi quân thù xâm lược.
Những năm đầu của thế kỷ được tin ở Mê Linh có Hai Bà Trưng là con cháu Vua Hùng dựng cờ khởi nghĩa bà vô cùng mừng rỡ xin vào yết kiến Hai Bà Trưng và được Hai Bà Trưng chấp thuận giao bà về làng Song Quan dựng cờ chiêu binh ngày đêm luyện tập võ nghệ. Sau khi có một đội quân hùng mạnh bà đã tiến thẳng về Hát Giang - Mê Linh và được Hai Bà Trưng phong cho bà chức Tiền tả tướng quân. Sau khi đánh thắng giặc phương bắc đất nước được thái bình và được Hai Bà Trưng giữ lại Mê Linh nhưng bà từ chối xin về chùa Phúc Khánh. Khi về làng bà xây dựng lại chùa, tậu ruộng mua đất chia cho dân và dạy dân làm ăn. Đến khi bà thác mộ của bà được đặt bên bờ sông Hồng và được nhà vua ban cho bà chức Thiều Hoa Công Chúa tức là Đức Thánh Mẫu Đại Vương và cho lập đền thờ gần đó.
Để tưởng nhớ công ơn to lớn của bà, hàng năm cứ đến ngày mồng 2 tháng giêng âm lịch làng Hiền Quan tổ chức động thổ khai binh, các cụ lão làng dựng bia đâm lao tại đình vào đúng ngày sinh của bà. Đến ngày 12-13 tháng giêng âm lịch làng Hiền Quan lại tổ chức hội duyệt quân (tức hội phết) để tưởng nhớ ngày xuất quân ra trận của bà. Trong lễ hội các hình thức hoạt động được diễn ra sôi nổi, hấp dẫn, đây là các môn thể thao dân tộc tượng trưng cho tinh thần thượng võ, khí thế hào hùng của nghĩa quân lúc đó. Hội phết Hiền Quan còn là minh chứng hùng hồn về ý trí quật cường, tinh thần dũng cảm mưu trí chống quân xâm lược của dân tộc ta. Hội phết Hiền Quan đã được nhiều người, nhiều nơi trong nước biết đến như một lễ hội đặc sắc của tỉnh Phú Thọ. Ngày nay khi đất nước ngày càng phát triển, khu di tích tưởng niệm của bà ngày càng được nhân dân gìn giữ, tôn tạo khang trang và duy trì được lễ hội- một nét đẹp trong văn hoá tâm linh người dân đất Tổ. Hàng năm cứ đến ngày diễn ra hội phết nhân dân trong vùng dù có đi đâu xa quê hương đều tìm về để thắp hương và tham dự hội phết rất đông vui thể hiện được đạo lý uống nước nhớ nguồn- một truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta.
- Năm thứ sáu liên tiếp Lễ hội Phết Hiền Quan phải tạm dừng cướp phết, người dân vẫn nô nức tới tham dự từ sáng sớm. Lễ hội Phết Hiền Quan (Phú Thọ) được tổ chức vào ngày 12 và 13 tháng Giêng nhằm tôn vinh công lao và tưởng nhớ Thiều Hoa công chúa.
Tuy nhiên, theo kế hoạch địa phương đã xây dựng, trên tinh thần tập trung tổ chức tốt phần lễ và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, riêng phần đánh phết tạm dừng, không tổ chức do phương án tổ chức đánh phết chưa cụ thể, các điều kiện về cơ sở vật chất, sân đánh phết chưa đảm bảo an toàn.
Ban tổ chức khẳng định về với Lễ Hội Phết Hiền Quan là cơ hội để du khách thập phương thưởng thức những nét đẹp văn hóa đặc sắc của quê hương Hiền Quan. Việc tổ chức Lễ Hội Phết Hiền Quan nhằm ôn lại những sự tích, truyền thống tốt đẹp của nữ tướng Thiều Hoa công chúa để con cháu dân làng ghi nhớ, gìn giữ và phát huy truyền thống của các bậc tiền nhân.
Địa phương bỏ phần cướp phết, tình trạng xô xát, giẫm đạp, xé rào không tái diễn. Xưa kia chỉ người dân làng tham gia cướp phết, tuy nhiên một số năm gần đây nhiều người ở nơi khác về tranh cướp khiến bãi phết ngày càng hỗn loạn, dẫn tới quyết định bỏ cướp phết.