
Núi Nhạn là điểm tham quan tại Phú Yên, nơi tọa lạc của ngôi tháp cùng tên được xây dựng vào thế kỉ 16 nằm trong chuỗi kiến trúc nghệ thuật đặc sắc của Vương quốc Chăm Pa xưa.
Đêm thơ nguyên tiêu được hình thành rất tự nhiên. Vào năm 1980 Hội những người yêu sách của thư viện Hải Phú đã yêu cầu tổ chức đêm thi nguyên tiêu. Ông Dương Thái Nhơn - Một trong số những người sáng lập ra Đêm thơ Nguyên tiêu Phú Yên từng chia sẻ rằng đêm thơ được ra đời giữa bối cảnh đời sống kinh tế của người dân còn gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên ông và những người đồng sáng lập không ngờ rằng cuộc thi này lại đạt được kết quả ngoài mong đợi. Từ 1991 đến nay, Hội thơ Nguyên tiêu Núi Nhạn đều được tổ chức đều đặn ở sân tháp Nhạn với chiều cao 64 mét so với mực nước biển.
Ban đầu, có mặt trong Đêm thơ chủ yếu là người yêu thơ sống ở Tuy Hòa nhưng về sau thu hút người dân ở các tỉnh thành phố khác như: Huế, Sài Gòn, Đà Nẵng, Hà Nội cũng nghe tiếng thơ vang xa mà vào góp thêm những tiếng thơ khác. Với những người yêu thích Hội thơ Nguyên tiêu Núi Nhạn thì thiếu thơ Nguyên tiêu dường như là thiếu Tết!
Nhiều nhà thơ lớn trên khắp cả nước cũng đã từng tham gia vào cuộc thi có một không hai này. Từ Bình Dương, nhà thơ Nguyễn Nguy Anh cũng đã gửi tác phẩm “Ai có về đất Phú trời Yên” đến trẩy hội thơ như một lời hứa hẹn với mảnh đất mà ông yêu quý, trước khi ông đột ngột qua đời vì tai nạn giao thông. Hay nhà thơ Nguyễn Gia Nùng từ Khánh Hòa cũng đã có nhiều duyên nợ với Hội thơ Nguyên tiêu Núi Nhạn, ông là người luôn tích cực quảng bá cho hoạt động văn hóa độc đáo này, góp mặt với thi phẩm nổi tiếng “Nếu không có Đêm thi Nguyên tiêu”.
Các nghệ sĩ ở Liên đoàn Nghệ thuật dân gian ChungBuk cũng tham dự và mang đến những sắc màu lạ cho hội thơ từ đất nước Hàn Quốc xa xôi. Dân ca hai nước sẽ được cất lên trong ánh trăng rằm và thơ của một tác giả Phú Yên do nhạc sĩ người Hàn phổ nhạc sẽ được ca sĩ đến từ xứ kim chi thể hiện.
Đêm trước khi chính thức diễn ra Hội thơ Nguyên tiêu Núi Nhạn sẽ diễn ra cuộc thi bình chọn linh hồn của hội thơ, 5 người đẹp được chọn vào vòng chung kết “Người đẹp Nguyên tiêu qua ảnh nghệ thuật” sẽ tiếp tục thi tài trình diễn thơ. Ban giám khảo chính là người lựa chọn ra những gương mặt ấn tượng nhất để trao giải người đẹp nguyên tiêu của năm được tổ chức. Bên cạnh giải thưởng cao quý nhất thì hội thì còn có các giải phụ: người đẹp trình diễn thơ hay nhất, người đẹp có trang phục đẹp nhất, người đẹp ăn ảnh nhất…

Theo thông lệ, sau tiếng trống khai hội, đêm thơ Nguyên tiêu Phú Yên mở đầu với thi phẩm bất hủ của danh tướng Lý Thường Kiệt là “Nam quốc sơn hà” và “Nguyên tiêu” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Góp mặt trong “tiệc thơ” trên đỉnh núi Nhạn gồm nhiều thi phẩm khác nhau nhưng các tác giả hầu hết là người Phú Yên, trong đó có nhiều cái tên đã trở nên quen thuộc với những người yêu thi ca ở địa phương, như: Triệu Lam Châu, Huỳnh Duy Hiếu, Lê Khánh Nam, Ma Joan, Quang Ngư…
Hội thơ Nguyên tiêu Phú Yên lần thứ 44 xuân Giáp Thìn, nhà thơ Huỳnh Văn Quốc, Phó Chủ tịch điều hành Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Phú Yên, Trưởng Ban tổ chức hội thơ nhấn mạnh đến vai trò của thơ ca - món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống.
“Thơ là tình yêu thiên nhiên, Tổ quốc, sông núi, con người, là tình yêu đôi lứa và cũng là nơi chuyển tải đạo lý làm người. Trên mảnh đất Phú Yên, phong trào thơ ca những năm gần đây không ngừng phát triển, nhiều nơi tổ chức đêm thơ mừng Đảng, mừng xuân vô cùng sôi nổi và hào hứng, góp phần tích cực vào việc xây dựng đời sống văn hóa tinh thần của địa phương. Chúng tôi mong rằng thơ Nguyên tiêu Phú Yên mãi mãi là điểm hẹn, là niềm tự hào của đất và người Phú Yên”, nhà thơ Huỳnh Văn Quốc phát biểu.

Hội thơ gồm 2 phần. Phần I hưởng ứng ngày Thơ Việt Nam lần thứ 22 với chủ đề “Bản hòa âm đất nước”, ôn lại những vần thơ thật đẹp, thật hào sảng về Tổ quốc, về quê hương xứ sở đã đi cùng năm tháng của các nhà thơ lớn ở Phú Yên. Đó là những bài thơ, trích đoạn thơ từ những thi phẩm nổi tiếng: Tuy Hòa mến yêu của cố nhà thơ Văn Công, Tổ quốc của cố nhà thơ Liên Nam, Giấc mơ xanh của nhà thơ - liệt sĩ Nguyễn Mỹ và Tôi yêu quê mẹ khu Đông của cố nhà thơ Lương Nguyên. Phần I của hội thơ như lời tri ân các nhà thơ tiền bối đã để lại cho đời những vần thơ thật hay, thật đẹp về quê hương.
Đến phần II, những người yêu thơ thưởng thức 12 bài thơ về quê hương đất nước, ca ngợi Đảng, Bác Hồ, vẻ đẹp của mùa xuân, của xứ sở... Đây là những thi phẩm được chọn từ hơn 250 bài thơ của 109 tác giả từ nhiều nơi gửi về tham gia Hội thơ Nguyên tiêu Phú Yên xuân Giáp Thìn, trong đó có những tác giả lần đầu xuất hiện.
Không chỉ thưởng thức thơ, khán giả dự hội thơ Nguyên tiêu còn thưởng thức bài chòi và một số ca khúc (được phổ nhạc từ thơ).

Trải qua biết bao thăng trầm của cuộc sống thế nhưng đêm thơ vẫn tồn tại và phát triển, là nỗi nhớ, là nơi hò hẹn của người làm thơ và những bạn yêu thơ từ khắp mọi miền. 44 năm đã trở thành duyên nợ, hàng ngàn tác phẩm của các thi hữu gần xa từ nhiều năm qua đã gửi về góp cho hội thơ xuân hàng năm tràn đầy hương sắc và để cho hội thơ lần thứ 44 này càng thêm ấm áp văn chương.
Hội thơ Nguyên tiêu Núi Nhạn là một hoạt động văn hóa vô cùng đặc sắc và thu hút đông đảo những bạn yêu thơ gần xa. Đây còn là cơ hội để lôi kéo khách du lịch ghé tham quan và khám phá Phú Yên. Đừng bỏ qua lễ hội thú vị này trong lịch trình khám phá Phú Yên của bạn nhé!