Làng lụa Nha Xá

Điểm Du lịch

 

Làng Nha Xá


Theo truyền thuyết, sau cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên – Mông xâm lược thắng lợi, danh tướng Trần Khánh Dư đã đưa dân từ Vân Đồn (Quảng Ninh) về khai hoang lập ấp tại thôn Dưỡng Hòa, xã Duy Hải, huyện Duy Tiên (nay là phường Duy Hải, thị xã Duy Tiên), sau đó ông về thôn Nha Xá cho dựng chùa và tu ở đấy. Ngoài việc tu hành, Trần Khánh Dư còn dạy dân địa phương nghề ươm cá bột và ươm tơ dệt lụa. Khi đó, hằng năm vào mùa mưa, nước sông Hồng dâng lên, trứng cá, cá con từ trên nguồn theo dòng nước tràn vào các lạch, Trần Khánh Dư đã hướng dẫn mọi người vớt trứng, cá con đem về ươm ở các ao nhỏ trong làng. Để lấy được trứng, cá con từ sông Hồng lên phải có vợt để xúc. Do vậy cùng với nghề ươm cá bột, nghề ươm tơ, dệt lụa ra đời phục vụ nhu cầu lúc đó là dệt săm - nguyên liệu để may vợt xúc cá. Sau đó dần phát triển lên nghề dệt lụa. 

Nghề dệt lụa Nha Xá  Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Vẻ đẹp ở làng nghề dệt lụa Nha Xá, xã Mộc Nam, thị xã Duy Tiên. Ảnh tư liệu

Phương ngôn có câu: “Lụa Nha Xá, cá sông Lảnh”. Câu ca này được lưu truyền khắp nơi, bởi sản phẩm lụa ở đây đẹp mịn màng và bền nổi tiếng. Còn sông Lảnh - đoạn sông Hồng chảy qua địa phương, xưa kia vốn rất nhiều cá béo và ngon. Quy trình kỹ thuật của nghề dệt lụa Nha Xá trước đây trải qua các bước từ trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa. Tuy vậy, trải qua quá trình thăng trầm, nghề dệt lụa Nha Xá đã cải tiến một số các công đoạn kỹ thuật nên công đoạn trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ đã không còn. Nghề dệt lụa ở Nha Xá ngày nay nhập nguyên liệu từ nơi khác, chuyên tâm dệt lụa. Làng lụa vì thế có nhiều mặt hàng mới ra đời như: lụa, đũi, tơ xe, lụa hoa, lanh… với chất lượng, mẫu mã sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng. Điều đặc biệt của lụa Nha Xá là nơi đầu tiên dùng những chất liệu từ thiên nhiên như củ nâu, cánh kiến, lá bàng, lá trầu không... để nhuộm lụa tơ tằm. Chính vì vậy, sản phẩm lụa của Nha Xá có những nét đặc trưng riêng với sự mộc mạc, trang nhã về màu sắc và bền đẹp với thời gian.
 


Có những lúc, trong làng có cả nghề ‘gánh lụa thuê’ ra sông Hồng để đưa lên thuyền chuyển về kinh thành hoặc phân phối đi các nơi. Lụa Nha Xá nổi danh từ đó.

Do người dân Nha Xá có điều kiện đi nhiều nơi và giao lưu buôn bán với các vùng, miền khác nhau nên việc tiếp cận những kỹ thuật mới, công nghệ tiên tiến về áp dụng cho sản xuất của làng nghề rất nhanh. Từ chỗ chỉ dệt được những tấm vải có khổ 30 cm bằng kỹ thuật thủ công thì nay người trong làng đã dệt được những mẫu vải khổ lớn có chiều dài theo ý muốn, với nhiều sản phẩm phong phú, đa dạng.


Vào thế kỉ 17-18 nghề dệt lạu Nha Xá nghề dệt lụa tơ tằm được phát triển mạnh. Năm 1970-1975 sản phẩm lụa tơ tằm sa tanh của làng nghề được tham gia hội chợ thành tựu kinh tế kỹ thuật Giảng Võ-Hà Nội, đat được 2 huy chương vàng và 2 huy chương bạc. Năm 2004 được công nhận làng nghề dệt truyền thống, chủ tịch nước Trần Đức Lương về tham quan và trồng cây da lưu niệm tại làng nghề.
Không chỉ giữ được nghề, mà nay nhiều gia đình ở Nha Xá đã giàu lên nhờ nghề, với doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm trừ mọi chi phí sản xuất. Đồng thời, còn tạo việc làm cho hàng trăm lao động ở các vùng lân cận. Ngày 21-12-2014 Cục sở hữu trí tuệ và Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Hà Nam đã cấp giấy công nhận và thành lập ra Hiệp hối sản xuất và kinh doanh lụa Nha Xá.
 


 

Nghệ nhân Nguyễn Tiến Quảng, Chủ tịch Hiệp Hội Làng Nghề Nha Xá chia sẻ: “Với bề dầy lịch sử hơn 700 năm tuổi, cho đến nay, chúng tôi đã đứng vững trên thị trường với các dòng sản phẩm lụa tơ tằm và các dòng sản phẩm liên quan đến khăn lụa, chăn lụa, khăn đũi cùng tất cả các dòng sản phẩm lụa hoa. Dịch Covid năm nay ảnh hưởng rất lớn, tuy nhiên chúng tôi vẫn cố gắng đứng vững bằng các dòng sản phẩm cao cấp. Trong lĩnh vực thời trang, chúng tôi cũng sản xuất nhiều sản phẩm lụa hoa và lụa cao cấp mang đến nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng trong nước”.

Hiện nay, Nha Xá có gần 400 máy dệt, mỗi tháng làm ra từ 30-40 nghìn m lụa. Sản phẩm được tiêu thụ khắp các thị trường cả trong và ngoài nước.

Nói về đặc trưng của lụa Nha Xá, Nghệ nhân Nguyễn Tiến Quảng cho biết thêm: “ Lụa đúng chất liệu 100% tơ tằm. Mà đặc thù của lụa tơ tằm thì sờ trên tay cảm thấy mát, mỏng, nhẹ. Bên cạnh đó, giá trị của lụa còn ở chỗ ấm về mùa Đông và mát về mùa Hè, đó là đặc thù của lụa tơ tằm Nha Xá. Màu sắc sẽ đảm bảo phai ở mức độ thấp nhất. Còn về giá thành sản xuất thì đây là nơi chỉ có giá thành của người sản xuất chứ không mang tính chất thương mại”.

Đặc biệt, để xây dựng thương hiệu dệt Nha Xá bền vững, làng nghề đã chú trọng gắn phát triển làng nghề với bảo vệ môi trường. Hiện nay, Nha Xá là nơi đầu tiên dùng những chất liệu đến từ thiên nhiên như: Củ nâu, cánh kiến, lá bàng, lá trầu không… để nhuộm lụa tơ tằm. Vì vậy, sản phẩm lụa của Nha Xá không chỉ bền màu mà được nhiều người ưa chuộng, tin tưởng về chất lượng và an toàn khi sử dụng.

Trong định hướng đẩy mạnh quảng bá sản phẩm làng nghề, Hiệp hội sản xuất và kinh doanh lụa Nha Xá cũng hướng đến chuyển dần các túi, hộp đựng sản phẩm bằng nilon sang bằng vỏ tre hoặc vỏ giấy. Các mẫu bao bì này hiện được tham khảo ở một số nước như Thái Lan, Nhật Bản… Tuy nhiên, tới đây Hiệp hội sản xuất và kinh doanh lụa Nha Xá cũng tính đến sẽ thuê chuyên gia thiết kế mẫu mã sản phẩm cho phù hợp với chất liệu và thị trường.

Để du khách cảm nhận được giá trị lao động của làng nghề, nhiều gia đình ở Nha Xá tạo dựng những phân xưởng nhỏ để khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan quy trình ươm tơ, dệt lụa. Đây cũng là cách để người dân trực tiếp quảng bá sản phẩm một cách hiệu quả, thiết thực nhất.

Ngày nay, làng lụa Nha Xá đã biến tấu trở nên vô cùng đa dạng với nhiều mẫu mã, chủng loại khác nhau. Hình dạng hoa văn trên lụa đã được thể hiện dưới đôi tay điêu luyện và óc nhìn tinh tế, sáng tạo của người nghệ nhân lụa Nha Xá. Nhờ thế, những sản phẩm lụa mới phong phú, độc đáo và tính thẩm mỹ cao đến như vậy. Với những đặc tính nổi bật, lụa Nha Xá luôn được chọn làm quà tặng cho người thân và bạn bè khi du khách về đây.

Thông tin chi tiết

Tác giả

Chu Năng Vinh

Đề xuất

Hạn chế

📅 22/02/2025 🌙 25/01/2025