
Cúng bản là việc bắt buộc phải thực hiện hàng năm vào tháng 3 âm lịch trước một vụ trồng cây mới. Cúng bản là lễ cúng để cầu thần nước, thần rừng cho mùa màng thuận lợi bội thu, người trong bản không bị đuối nước, không bị tai nạn trên đường. Thường trưởng bản là người lo phần chuẩn bị những việc hành lễ chỉ do một mình thầy mo làm. Thầy mo của người Cống được chọn theo kiểu cha truyền con nối hoặc chí ít cũng là người thuộc một dòng họ danh giá chuyên làm công việc linh thiêng này.
Vào ngày cúng bản, trong khi mọi người rộn ràng góp lễ vật tại sân nhà trưởng bản thì thầy mo cùng vợ lặng lẽ chuẩn bị mâm lễ vật cúng thần tại nhà. Mâm lễ vật có gạo, hai cặp vòng tay bằng bạc của vợ thầy mo, hai quả trứng, những chiếc lá cây và một bó những sợi dây chỉ màu sắc sặc sỡ. Những lễ cúng bản không diễn ra tại nhà thầy mo mà sẽ được thực hiện tại một nơi đặc biệt với Người Cống
Đầu tiên trai tráng chặt cây, phát quang tạo khoảng trống rồi dùng tre, nứa dựng một căn sàn nhỏ nơi thầy mo sẽ đặt lễ vật dâng lên các vị thần. Xong xuôi thầy mo kính cẩn sửa lại lễ phục, rót rượu rồi quỳ xuống trước mâm đọc một bài văn khấn. Ông Lò Văn Chờ người đã hơn 20 năm làm thầy cúng bản Nậm Pục, Mường Tè, Lai Châu cho biết: “Những bài cúng trong lễ cúng bản là do tổ tiên truyền lại. Nội dung của những bài cúng là mời các vị thần về chứng giám cho những ước muốn của mọi người". Tiếp đến với sự giúp đỡ của trai bản thầy mo sẽ giết gà mổ lợn để tế thần. Những chiếc lông gà và gan lợn sẽ được giữ lại để làm những thủ tục quan trọng trong phần sau của buổi lễ. Cùng lúc những người đàn ông trong bản sẽ bắc bếp, nổi lửa để nấu chín đồ. Người ta đổ nước, bỏ gạo, thịt gà, thịt lợn vào nấu chung trong một chiếc nồi lớn. Khi đồ chín họ lại đặt lên mâm để thầy mo làm lễ lần thứ hai. Những chiếc lông gà sẽ được cắm xuống ngay chân hai ngôi nhà mới dựng để trừ tà. Phần quan trọng nhất với mọi người đấy là việc xem bói gan vừa làm lễ tế. Trong lần cúng bản lần này thầy mo Lò Văn Chờ nhìn những đường gân trên gan và nói với mọi người rằng mọi việc rất thuận lợi: "Các vị thần đã đồng ý với những cầu mong của dân bản". Mọi người đều hân hoan với điềm lành. Họ kê đá làm ghế, chặt lá chuối làm mâm rồi cùng nhau ăn uống theo cách tổ tiên bao đời của người Cống trên khu đất thiêng. Cuối buổi thầy mo sẽ đan những tấm liếp, cài lá cây xanh và những chiếc lông gà lên đó là dấu hiệu cấm bản. Có hình dáng như những chiếc khiên, chúng sẽ che chở bản làng trước những tai ương. Khi dấu hiệu cấm bản được cắm xuống, từ thời khắc này mọi người nội bất xuất, ngoại bất nhập. Nếu giữ được điều này trong suốt những ngày cấm bản, tất cả sẽ được bình yên.
Đặc điểm: Vào ngày lễ, các ngả đường vào bản đều dựng cổng, cắm dấu hiệu kiêng kị không ai được vào bản. Sau đó từng gia đình làm lễ cúng trên nương. Đây là lễ cầu mùa màng tốt tươi, côn trùng và chim chóc không phá hoại mùa màng.
Lễ cúng bản của người Cống chỉ dành cho đàn ông. Họ sẽ ăn uống theo cách thức cổ xưa như ông bà tổ tiên của họ ngay tại vùng đất thiêng của bản.
Dấu hiệu cấm bản của người Cống. Từ lúc những “chiếc khiên” này được cắm xuống, bản Nậm Pục sẽ nội bất xuất ngoại bất nhập.