
“Hạn Khuống Giao duyên” là một hình thức sinh hoạt văn nghệ dân gian truyền thống và rất đặc sắc của đồng bào Thái Tây Bắc. Ở “Hạn Khuống” chủ yếu là lối hát giao duyên, các chàng trai người Thái phải hát khắp đối đáp với các cô gái cho đến khi được họ đồng ý cho lên sàn. Theo truyền thống của dân tộc Thái, sàn Hạn Khuống được đặt giữa bản, khi màn đêm buông xuống, các cô gái Thái rủ nhau lên sàn Hạn Khuống chơi trăng. Một bóng, hai bóng rồi một tốp các cô gái Thái tay guồng, tay sa nhẹ nhàng bước lên thang Hạn Khuống. Dưới ánh lửa bập bùng, họ nói chuyện về công việc đồng áng ở trên nương, dưới ruộng và những câu chuyện họ gặp khi đi làm và cả chuyện tình yêu đôi lứa, chuyện tình của người thầm thương trộm nhớ. Cuốn theo tâm tình của các thiếu nữ trên sàn Hạn Khuống, các chàng trai trong bản cũng mang theo "pí" (tức là nhị)... hát trên sàn. Và từ khi ấy, lời hát giao duyên giữa con trai, con gái Thái cứ kéo dài, kéo dài đến đêm khuya. Sau những đêm Hạn Khuống như thế, họ hiểu tâm tình trong nhau, nhiều đôi trai gái Thái nên duyên vợ chồng. Bởi ý nghĩa đó mà trong tâm trí mỗi người dân tộc Thái luôn khắc khoải những nỗi nhớ lời giao duyên trong những đêm trăng sáng trên sàn Hạn Khuống.
Sàn Hạn Khuống được dựng cao chừng 1,2m - 1,5m, rộng 0,6m, dài khoảng 5m, xung quanh có dựng lan can và được trang trí hoa văn mang đậm bản sắc dân tộc. Giữa sàn Hạn Khuống có dựng cây nêu to và dài làm bằng tre, phần ngọn của nó còn nguyên lá và trang trí các con giống với nhiều màu sắc gọi là “Lắc xáy chính”. Cây “Lắc xáy chính” này còn mang hình dáng của cây vũ trụ. Bốn góc sàn Hạn Khuống có bốn cây nhỏ được trang trí đẹp còn mắt gọi là “Lắc xáy”. Ở bốn góc sàn đều dựng cầu thang để tiện cho việc lên xuống, còn được gọi là “San bó Han Khuông” (tức Sàn hoa Hạn Khuống). Chủ thể Hạn Khuống sẽ chọn các thiếu nữ Thái xinh đẹp nhất của bản mường, còn là người có đức, có tài hát đối ứng còn được gọi là “Xao tỏn khuống”. Bốn cô gái sẽ ngồi ở bốn góc Hạn Khuống gọi là “Xao lắc xáy”. Khi bếp lửa trên sàn được nhóm lên, ngọn lửa sẽ cháy rực sáng cả một góc bản mường thì cũng là thời điểm các cô chủ Hạn Khuống rút thang lên, quay guồng xa của mình và kéo sợi giăng ngang ở lối lên - xuống của sàn Hạn Khuống và cuộc thi tài cũng chính thức bắt đầu. Lúc này, các chàng trai Thái nếu muốn lên sàn hoa thì cần phải hát đối đáp thật hay và thắng các cô chủ sàn Hạn Khuống mới được lên. Lời các bài hát đối thường được lấy trong các truyện thơ “Tản chụ xiết xương” hay Thái “Xống chụ xon xao”. Khi đã vào cuộc thi, ngoài khắp đối ra còn có phần lứng tác giữa một bên là anh chàng người Thái và một bên là cô chủ Hạn Khuống. Lời ứng tác rất tinh tế, sắc sảo đã thể hiện sự thông minh của những chàng trai và các cô gái Thái. Khi các cô gái đã cảm phục tài ứng tác của các chàng trai trong cuộc thi hát đối, các cô gái sẽ thả thang xuống cho chạm đất rồi đưa tay níu mời các chàng trai Thái lên sàn Hạn Khuống. Sau khi các chàng trai lên dàn Hạn Khuống, bên gái lại tiếp tục thử tài thử sức, lòng kiên trì và cách đối đáp của bên trai bằng việc không cho ghế, nên bên trai lại phải hát để xin ghế ngồi. Xin được ghế ngồi rồi, trai Thái lại khắp đối để xin ống điếu thuốc lào... Sau một hàng loạt các bài khắp, các chàng trai Thái đã vượt qua thử thách của các cô gái chủ Hạn Khuống và được đồng ý cho dự cuộc vui cho đến thâu đêm. Khi có chàng trai và cô gái nào có tình ý với nhau, có cảm tình riêng với nhau rồi thì được tự đến bên nhau để bày tỏ tình cảm bằng những bài khắp đối ân tình và sâu lắng. Cứ như vậy, cuộc vui lại cuốn hút các cô gái Thái và thể hiện sự khéo léo của họ bằng việc thêu dệt, cán bông, xe sợi, không biết mệt mỏi, còn các chàng trai Thái thì người đan hom, đan giỏ, thi thổi sáo, chơi đàn tính bằng những giai điệu níu kéo lòng người. Càng về đêm, Hạn Khuống lại càng say nồng bởi những điệu khắp đối, và tiếng xe sợi nhanh tay, đan hom, thêu, đan giỏ của các thanh niên nam nữ người Thái. Đến khuya, những người già và trẻ nhỏ tuy vương vấn sàn không muốn rời Hạn Khuống nhưng dũng đều phải lần lượt ra về đã sắp tàn canh. Trên sàn Hạn Khuống chỉ còn lại các chàng trai và cô gái Thái đang vai kề vai ngồi bên bếp lửa cháy hồng. Các cô chủ Hạn Khuống lại càng xinh đẹp hơn với đôi má ửng hồng vì hơi ấm từ bếp lửa. Lễ hội Hạn Khuống được tổ chức trong nhiều ngày, hình thức vui chơi khá phong phú và đa dạng như: múa xòe, tung còn, chơi cù, tó má lẹ... Cùng với những câu khắp đối, người đến xem còn có thể hát phụ họa khiến không khí trong đêm Hạn Khuống lại càng trở lên say đắm lòng người. Hạn Khuống tan hội cũng là lúc các cô chủ sàn Hạn Khuống sẽ khắp lời chia tay. Đến lúc này, không cần ai bảo ai mà mỗi người ai cũng xúm vào dọn dẹp đồ đạc và bắt đầu thổi tắt bếp lửa đi và cùng sánh vai nhau ra về. Cô chủ Hạn Khuống cũng cất thang Hạn Khuống đi như lời thông báo dừng cuộc vui, nhưng dư âm của đêm Hạn Khuống vẫn còn mãi với thời gian.
Lễ hội Hạn Khuống như có một sức hút đến kỳ lạ nếu khách đến xem hội để tâm nghe những lời khắp đối qua những câu thơ trong tác phẩm “Xống chụ xon xao” nổi tiếng của người Thái, đã được người Thái ở vùng Tây Bắc lưu truyền, diễn xướng qua biết bao thế hệ, đã đón nhận trường ca đó bằng cả trái tim thắm đượm tình cảm, thiết tha. Chính vì vậy, Hạn Khuống là một nét đẹp văn hóa giàu giá trị tinh thần trong đời sống hằng ngày của người Thái. Sinh hoạt văn hóa trên sàn hoa Hạn Khuống đã khiến con người Thái thêm yêu cuộc sống, có cái nhìn tốt đẹp hơn, cuộc sống của họ luôn tràn ngập tình nghĩa, tình bao dung và lòng tương thân tương ái.