
Đình thần Long Hương - Công trình văn hóa tâm linh hơn 200 tuổi
Đình thần Long Hương (khu phố Hương Điền, phường Long Hương, TP.Bà Rịa) được xây dựng cách đây hơn 200 năm (khoảng từ năm 1788-1802). Trải qua bao thăng trầm lịch sử, nét kiến trúc và các lễ hội của đình thần Long Hương được bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tâm linh của người dân địa phương.
Theo các bậc cao niên ở phường Long Hương, TP.Bà Rịa, ngày xưa, cư dân ở khu vực đình thần Long Hương thưa thớt, đất rộng, cây cối, cỏ dại mọc um tùm. Nơi đây còn có nhiều loại động vật hoang dã sinh sống, trong đó có cả những loài thú dữ như gấu, chó sói, cọp, heo rừng… Cuộc sống của người dân lam lũ, cực nhọc, nắng mưa tần tảo quanh năm mà vẫn thiếu ăn, thiếu mặc. Vì lẽ đó, người dân làng Long Hương nương tựa vào nhau, hình thành nên những tập quán tín ngưỡng gắn liền với đời sống. Thời đó, người dân trong vùng đã lập miếu thờ Cá Ông, miếu thờ Thần Nông, chùa Long Cốc và đình thần Thành Hoàng.
Đình thần Long Hương hình thành từ đời vua Minh Mạng. Ban đầu, đình được xây dựng trên một gò đất cao đầu làng trên diện tích gần 2 sào đất. Cũng như nhiều ngôi đình khác ở Nam bộ, đình Long Hương thờ thần Thành Hoàng Bổn Cảnh, là một đấng thiêng liêng mà cũng rất gần gũi với dân chúng, phù hộ, giúp đỡ cuộc sống của người dân. Năm 1852, niên hiệu Tự Đức thứ 5, đình Long Hương được phong sắc thần với chức sắc “Đại Nguyên Soái Thủy Lục Bình Quân Đại Nguyên Soái”. Từ đó, dân làng quy tụ ngày một đông hơn, việc làm ăn cũng thuận lợi hơn, vì vậy đình thần Long Hương càng được chăm chút tu sửa, sắc thần càng được thờ phụng chu đáo.
Đầu thế kỷ XX, đình thần Long Hương được trùng tu lớn bằng nguồn đóng góp của nhân dân trong vùng. Theo đó, đình được xây dựng thành quần thể nhiều nhà vuông. Mỗi ngôi có 4 cột cái lớn bằng cả vòng tay ôm, trên cột được chạm khắc hình rồng nên được gọi là “long trụ”. Nhà vuông mở rộng ra 4 phía bằng bộ kèo đâm, kèo quyết. Phần đuôi các bộ kèo chạm trổ hình rồng lúc ẩn, lúc hiện gọi là “long ẩn”. Những ngôi nhà vuông lại ghép với nhau theo kiểu trùng thềm điệp ốc, mái lợp ngói âm dương gắn tượng “lưỡng long tranh châu”, “cá hóa rồng”, “ông mặt trời, bà mặt trăng” bằng sứ tráng men; trang trí ở nóc đình còn có những hình tượng âm dương hòa hợp, sung túc. Các nhà vuông liên kết nhau theo kiểu dáng chữ “Tam”, lưng dựa vào núi Dinh, mặt hướng về sông Dinh.
Công trình kiến trúc đình thần Long Hương bao gồm cổng đình, sân khấu võ ca, chánh điện, nhà đãi và nhà kho. Hai bên hông đình, bên phải là miếu thờ Bạch Mã Thái Giám, bên trái thờ Bà Thiên Hậu. Trong khuôn viên chánh điện thờ Thần Hoàng Bổn Cảnh. Hai bên tả ban, hữu ban thờ các vị thần 4 mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông; các vị có nhiệm vụ bảo vệ Thần Hoàng và giúp đỡ nhân dân 4 mùa sung túc, phù hộ nhân dân mưa thuận gió hòa, cuộc sống ấm no. Trong đình còn lưu giữ nhiều hiện vật quý như các bộ bao lam, hoành phi, đối liễn, tủ thờ bằng gỗ quý điêu khắc trang trí lộng lẫy.
Trong 2 cuộc kháng chiến của quân và dân Bà Rịa, Đình thần Long Hương còn là nơi che chở, nuôi giấu các cán bộ hoạt động cách mạng. Dựa vào đặc thù của khuôn viên đình vừa có cây cối rậm rạp, vừa có nhiều cây dầu cao lớn, lực lượng du kích địa phương đã tận dụng làm nơi quan sát canh gác địch từ nhiều phía để chủ động tấn công địch, tạo nên nhiều chiến công vang dội, góp phần vào công cuộc giải phóng đất nước. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử và thời gian, lưu giữ những giá trị lịch sử, năm 2007 đình thần Long Hương đã được UBND tỉnh ban hành quyết định công nhận là di tích lịch sử văn hóa kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh.
Tại Đình Thần Long Hương mỗi năm có 4 lệ cúng:
- Lễ cúng Bầu Ông được tổ chức vào ngày 10 tháng giêng hàng năm.
- Lễ cúng Miếu Bà Thiên Hậu và Ngũ Hành vào ngày 23 tháng 3 âm lịch hàng năm.
- Lễ cúng Tiền hiền nhằm vào ngày 11 tháng 5 âm lịch hàng năm.
- Lễ cầu an nhằm 03 ngày 15,16,17 tháng 11 âm lịch hàng năm. Đây là lễ cúng lớn nhất tại Đình, ngoài phần lễ Ban tế tự còn tổ chức phần hội.
- Lễ thỉnh sắc thần được tổ chức long trọng, trang nghiêm, sắc rước từ công sở của làng về Đình, lễ xông sắc đưa lên kiệu sau đó kiểm tra lại các đồ vật, lễ thỉnh rồi mới được đi kiệu. Trên đường di kiệu từ công sở về Đình dân làng hai bên đường đều lập bàn hương án chào thần. Ngày trước dân làng còn tổ chức đốt pháo chào mừng "Thần" từ công sở về tới Đình.
Đêm rằm tất cả tập thể Ban tế tự, hương chức và dân làng đều có mặt đông đủ để hưởng trọn đêm cầu lễ thần – ban hát, nhạc, ăn chay, niệm Thần cầu nguyện mưa thuận, gió hòa, mùa màng được tốt, bội thu, con cháu đoàn tụ sum vầy.
Trong nghi thức cúng: cũng như cổ xưa, tế thần phải có vật "tế sính" Đình Thần Long Hương "tế sinh" bằng loại heo bạch, vì con heo bạch hiền lành vừa là bạn kinh tế của nhà nông. Người đâm heo đầu phải chít khăn mặc áo xanh đen dài, sau khi dùng huyết và đầu heo làm lễ tế thần, huyết, lòng heo được dùng nấu cháo cho các vị hương chức cùng ăn thay cho tục "uống máu ăn thề". Trong đợt lễ hội các chức sắc làng có vai trò quan trọng. Lễ hội diễn ra 3 ngày. Ngày đầu thường có nội dung chính là tế, còn hai ngày sau kết hợp với tế lễ là các hoạt động văn nghệ, thể thao truyền thống.
Trong lễ chính, nghi lễ dâng 3 tuần rượu với lễ sinh đi lên đi xuống thường kéo dài hơn 1 giờ. Trước lúc vào lễ các thành viên Ban tế lễ đến sớm, mặc áo lễ, khăn đen mở đầu bằng hình thức rất "đời" Ban tế lễ đứng trước quan khách và bá tánh để nghe trưởng lễ đọc lời thưa gửi Thánh Thần, kính báo trời đất về lòng tôn kính của con cháu. Một khay rượu phủ vải đỏ đặt trên bàn thờ nhỏ trước quan khách, sau lời khai mạc quý tế mở vải rót rượu mời quan khách uống cạn để cảm tạ.
Vào lễ chính công việc đầu tiên là các thành viên tế lễ đến đúng vị trí đã quy định và giữ yên lặng, các vị chánh, phó tế đến trước bàn nghi, cử soát tế phẩm. Hai lễ sinh cầm nến đi trước, người của ban lễ tự đi sau đến xá từng bàn thờ chính, bàn thờ phụ, kiểm những món đồ cúng xem còn thiếu gì không. Đây là nghi thức tượng trưng, mặc dù tốn thời gian nhưng không được làm chiếu lệ. Vì nếu đồ cúng không được làm chu đáo sẽ có tội với các vị thần linh, tiên liệt. Công việc thứ 2, các vị trong ban tế đến trước thau nước đã được bố trí sẵn lần lượt rửa tay, rửa mặt tượng trưng, sửa lại khăn áo ngay ngắn rồi đến các bàn thờ thắp nhang dâng rượu. Chánh tế khấn vái thần thánh, đọc bài văn tế ca ngợi công đức của các vị thần linh, tiên liệt; truyền thống quê hương, báo cáo thành quả lao động, học hành của dân làng. Nói lời cầu mong thánh thần phù hộ…Sau đọc lời văn tế dâng rượu đến tuần rượu thứ hai, gọi là "Á hiến". Tiếp đến là dâng tuần rượu thứ ba gọi là "chung hiến" .
Sau khi dang tuần rượu thứ ba là lễ dâng bánh, dâng trà. Mục chót là "ẩm phước" các vị chánh, phó cùng Ban tế tự uống rượu đã cúng trên bàn, ăn tượng trưng, và trái cây gọi là hưởng phước Thần ban, rồi chánh phó đốt văn tế. Trưởng ban tổ chức công bố lễ thành, các lễ sinh lạy tạ thần linh.
Trong tế lễ tại Đình Thần Long Hương có các cô đào mặc áo quần như những cung phi thời xưa đi theo lễ sinh và hát những bài hát khen rượu, trà ngon khi dâng rượu dâng trà. Động tác dâng 3 tuần rượu đời hỏi sự nghiêm túc của từng bước đi, từng động tác cùng với cách ăn mặc nghiêm trang sặc sỡ của lễ sinh để biểu hiện rõ nét đẹp mỹ tục thuần phong.
Trong tế lễ phần nhạc lễ đóng vai trò vô cùng quan trọng. Tiếng nhạc làm cho phần lễ linh ứng, thấu gọi hồn thiêng sông núi. Tiếng trống có vai trò chỉ huy nên người đánh trống phải được chọn lựa kỹ, phải là khỏe mạnh, không mang tiếng về hạnh kiểm. Ngày trước người được tuyển chọn đánh trống phải ăn chay cả tuần trước khi vào lễ để giữ trọn trong sạch, tiếng trống mới linh. Mở đầu lễ tế đánh ba hồi trống để báo động âm dương, thưa với thánh thần "trừ hung ác sát", "khôn trung hội viên nam nữ đồng thọ phước". Cứ như vậy tiếng trống hòa nhịp với tiếng chiêng (phèn la) làm nhiệm vụ chỉ huy hướng dẫn tất cả mọi động tác tế lễ cũng như các cuộc vui chơi trong suốt lễ hội.
Sau tế lễ chính các quan viên bá tánh cùng thưởng lãm nghệ thuật truyền thống bằng các màn trình diễn hát bội ca ngợi, chúc tụng trời đất đổi mới tươi vui, mừng đồng bào, quan viên an khang, hưởng thái bình thực hiện công bằng xã hội.
Lễ Đình Thần Long Hương ngoài những thú vui chơi, văn nghệ còn là một nhu cầu hướng con người vào tâm thánh thiện. Trên bước đường đi tới ấm no hạnh phúc, non nước thanh bình