
Sáng ngày 04/3/2024, tức ngày 24 tháng giêng năm Giáp Thìn, tại khu di tích lịch sử văn hóa Chùa Muống, UBND xã Ngũ Phúc đã tổ chức khai mạc lễ hội chùa Muống.

Đại diện lãnh đạo Ban trị sự giáo Hội phật giáo Việt Nam, lãnh đạo UBMTTQ, sở Nội vụ và đồng chí Phạm Quang Hưng- Chủ tịch UBND huyện dự tặng hoa chúc mừng. Cùng dự lễ khai mạc còn có lãnh đạo UBND- UBMTTQ, một số ngành đoàn thể huyện, lãnh đạo cấp uỷ chính quyền xã Ngũ phúc, lãnh đạo một số địa phương và đông đảo nhân dân, du khách thập phương.

Chùa Muống là một trong những ngôi chùa được xây dựng sớm ở đất Kim Thành, đến thời Trần do sư Tuệ Nhẫn, một môn đệ của thiền phái Trúc Lâm chủ trì xây dựng, mở rộng khang trang. Đến thời Nguyễn chùa có trên 120 gian, có tài liệu ghi là 124 gian, 32 tháp sư, hàng trăm pho tượng cổ và nhiều bia ký có giá trị. Chùa được quy hoạch trên khuôn viên rộng 15.000m². Chùa Muống là ngôi chùa lớn và nổi tiếng của Hải Dương. Lê Thánh Tông hai lần viếng thăm đều có thơ khắc vào bia đá. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, do chiến tranh tàn phá nên chùa bị phá huỷ hoàn toàn. Sau ngày miền Bắc giải phóng, chùa bắt đầu được khôi phục, đến nay cũng chỉ đạt một phần nhỏ của kiến trúc cũ. Riêng hệ thống tháp vẫn được bảo tồn như xưa.
Theo thông tin từ Sở Văn hoá Thể thao và du lịch tỉnh Hải Dương, chùa Muống xã Ngũ phúc, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương có tên tự là Quang Khánh tự, đã tồn tại được 7 thế kỷ và hiện nay là trung tâm tôn giáo lớn của huyện Kim Thành. Chùa Muống là nơi thờ phật theo thiền phái Trúc Lâm, đồng thời là nơi thờ nhà sư Tuệ Nhẫn - môn đệ trung thành của thiền phái Trúc Lâm do vua Trần Nhân Tông sáng lập. Nhà sư còn có công truyền giáo lý và xây dựng 72 ngôi chùa lớn nhỏ. Đối với nhân dân làng Muống, nhà sư không chỉ là người có công xây dựng chùa, mà ông còn là người đầu tiên khai khẩn đất đai, lập nên làng Muống ngày nay.
Lễ hội chùa Muống bắt nguồn từ kỷ niệm ngày mất của sư nhà Tuệ Nhẫn, ông viên tịch ngày 27 tháng giêng, năm Ất Sửu, Khai Thái thứ hai (1325). Sau khi mất, nhà sư được nhân dân suy tôn làm Thành hoàng làng. Theo thông lệ, lễ hội bắt đầu từ ngày 24 đến ngày 26 tháng giêng và ngày 27 là ngày trọng hội. Lễ hội kết thúc vào đêm 27.
Điều đặc biệt trong lễ hội chùa Muống đó là tục lệ làm bánh dày để dâng cúng. Đây là điều mà ít lễ hội truyền thống nào còn duy trì được. Theo những người cao niên ở đây kể lại rằng: Cứ gần đến ngày lễ hội, trong từng gia đình và khắp cả xóm làng lại rộn ràng tiếng chày giã bánh cùng với mùi thơm ngào ngạt của những nồi xôi, tạo cho không khí ngày hội thật tưng bừng và ấm cúng. Bánh dày làng Muống tượng trưng cho mùa màng bội thu mà con cháu dâng lên Thánh tổ, như thành quả của một năm lao động. Việc giã bánh dày trong ngày hội rất được coi trọng. Gạo nếp làm bánh phải là nếp cái hoa vàng được lựa chọn kỹ do đó bánh dày nơi đây rất dẻo và thơm.
Trước khi giã bánh, người ta ngâm gạo nếp 6 tiếng rồi mới đồ xôi đến khi xôi chín thì dàn mỏng ra một mảng mo cau. Người được chọn giã bánh phải là những chàng trai, cô gái khỏe mạnh. Để bánh thật dẻo, quá trình giã bánh không được gián đoạn. Khi bột đã nhuyễn, người ta dùng tay vắt bánh vào từng đĩa lá chuối được quấn lá dừa xung quanh. Nước dùng để làm bánh phải là nước giếng ở chùa. Người ta cho rằng, việc lấy nước giếng chùa làm bánh sẽ giúp bánh tinh khiết, mềm dẻo và thơm ngon hơn. Ông Nguyễn Xuân Quy – xã Ngũ Phúc cho biết: Ngày nay việc làmn bánh dày đơn giản hơn trước. Cứ đến dịp lễ hội, mỗi dòng họ trong làng đều làm bánh dày dâng lên lễ hội. Năm 2012 vừa qua, xã tổ chức hội thi làm bánh dày và có 12 dòng họ tham gia. Mặc dù bánh dày ngày nay làm nhỏ hơn trước, song trước khi giã bánh, các dòng họ đều phải bày một mâm hoa quả, thắp hương cầu mong Phật tổ phù hộ để cho bánh được ngon hơn. Nếu không may gia đình nào làm bánh bị hỏng thì phải đến chùa thắp hương, cầu mong Phật tổ xá tội và phù hộ cho gia đình. Dân làng rất kiêng kỵ việc làm bánh bị hỏng vì họ quan niệm đó là điềm không may trong cả năm tới.
Chùa có quy mô tới 120 gian lớn nhỏ, xây dựng theo kiểu "nội công ngoại quốc" trên khuôn viên rộng 15.000m2, bao gồm tam quan, tiền đường, thượng điện, nhà tổ, nhà tăng, hành lang, gác chuông, gác khánh...
Theo đại diện Chùa Muống, chùa có hơn 30 ngôi tháp chia làm 4 khu, trong đó khu ít nhất có 2 ngôi tháp ở ngay khu vực cổng.

Một số ngôi tháp không ghi niên đại, ước chừng khoảng 600 năm, có ngôi mộ ghi niên đại được xác định hơn 300 năm. Hiện, chưa có ngôi chùa nào ở Hải Dương sánh kịp chùa Muống về số lượng tháp. Chị Nguyễn Thị Huê (37 tuổi, Thuỷ Nguyên, Hải Phòng) cho biết: “Lễ Vu lan này, tôi cùng bạn bè đến tham quan, dâng hương tại chùa Muống và rất ấn tượng với khu vườn tháp. Mỗi ngôi tháp có một kích thước, kiến trúc khác biệt, tôn lên nét trang nghiêm, cổ kính cho ngôi chùa“.
Mỗi ngôi tháp có một nét kiến trúc riêng biệt, làm đa dạng khu vườn tháp lớn nhất tỉnh Hải Dương.

Các ngôi tháp ở chùa Muống chủ yếu là tháp đá thời Lê và thời Nguyễn. Trên nhiều ngôi tháp còn lưu giữ nét kiến trúc độc đáo với hàng chữ cổ, hoa văn chủ yếu là hình tượng hoa sen, đám mây.
Trải bao thăng trầm của lịch sử, hầu hết các công trình của chùa đã bị phá huỷ trong kháng chiến. Hoà bình lập lại, nhất là từ những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ 20 cho đến nay, chùa Muống được hồi sinh. Nhiều công trình được khôi phục như nhà tổ, tăng phòng, chùa chính... Ông Nguyễn Tiến Dũng – Chủ tịch UBND xã Ngũ Phúc cho biết, địa phương giao nhà chùa cùng phật tử thường xuyên chăm lo, dọn dẹp khuôn viên chùa, đặc biệt là khu vườn tháp.
Với ý nghĩa lịch sử, năm 1992, chùa Muống được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Hàng năm, chùa Muống đón hàng nghìn lượt nhân dân, du khách tham quan, vãn cảnh, dâng hương, nhất là vào dịp lễ hội chùa Muống kéo dài 4 ngày từ ngày 24 đến ngày 27 tháng Giêng.
Trải qua bao biến cố, thăng trầm của lịch sử, phong tục giã bánh dày trong lễ hội chùa Muống vẫn lưu truyền cho tới ngày nay và ăn sâu vào tâm thức của người dân làng Muống. Lễ hội chùa Muống là niềm tự hào, nơi hội tụ của dân làng để giáo dục cháu con luôn luôn làm việc thiện, cùng nhau đoàn kết xây dựng quê hương, giữ gìn bản sắc văn hóa của làng quê mình