Âm Lịch 9/1

Lễ hội Chùa Ông

Lễ hội Bắt đầu ngày 9/1🌙 Âm lịch 5 ngày

             Vào tháng Giêng âm lịch hàng năm, Thất phủ cổ miếu, còn gọi là chùa Ông (TP Biên Hòa, Đồng Nai) vào hội. Nhân dân cùng du khách thập phương lại đổ về đây trẩy hội với rất nhiều hoạt động phong phú. Lễ hội chùa Ông được duy trì, tổ chức hằng năm là một hoạt động gắn kết tín ngưỡng dân gian trong truyền thống văn hóa lâu đời của hai dân tộc Việt-Hoa. Đồng thời cũng là dịp để nhân dân chiêm bái và ngưỡng vọng các bậc tiền hiền đã có công mở mang, xây dựng vùng đất Biên Hòa, Đồng Nai.

           Chùa Ông được khai tạo năm 1684, thờ Quan Thánh Đế Quân. Đây là ngôi chùa Hoa có niên đại sớm nhất ở Nam Bộ, gắn với cộng đồng di dân do Tổng binh Trần Thượng Xuyên đưa đến định cư ở Cù lao phố-Biên Hòa năm 1679, tạo lập Nông Nại Đại Phố-một thương cảng đô hội sầm uất đầu tiên ở vùng đất phương Nam.

            Sở dĩ, đây được xem là ngôi chùa của người Hoa đầu tiên ở xứ Nam Bộ là vì chùa được tạo dựng sau 6 năm - ngày tướng quân Trần Thượng Xuyên dẫn đoàn người Hoa đến Đại Việt xin thuần phục. Vào năm 1679, sau khi được chúa Nguyễn Phúc Tần (1648-1687) chấp thuận, tướng quân Trần Thượng Xuyên đã dẫn theo 3.000 quân thân tín, cùng với gia quyến tiến vào Bàn Lân (nay thuộc TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) để lập nghiệp. Trần Thượng Xuyên đã kết hợp với cộng đồng người Việt đến vùng đất này trước đó, khai khẩn, mở mang đất đai và tạo lập Nông Nại Đại Phố - một thương cảng đô hội, phồn thịnh bậc nhất phương Nam lúc bấy giờ.

           Sau 6 năm an cư trên đất Việt, tướng quân Trần Thượng Xuyên đã cùng cộng đồng người Hoa tạo dựng nên cơ sở tín ngưỡng Thất phủ cổ miếu. Được biết, Thất phủ cổ miếu này do bảy phủ người Hoa đóng góp để tạo dựng, bao gồm: Phúc Châu, Chương Châu, Tuyền Châu, Quảng Châu, Triều Châu, Quỳnh Châu và Ninh Ba. Thất phủ cổ miếu là cơ sở văn hoá đầu tiên của cộng đồng người Hoa ở Đồng Nai nói riêng và cả khu vực Nam bộ nói chung.

           Ngôi chùa này là nhân chứng đánh dấu cột mốc lịch sử về thời kỳ khẩn hoang, lập nghiệp và cùng bảo vệ, phát triển vùng đất phương Nam của cộng đồng người Hoa. Hơn 300 năm hiện hữu, Thất phủ cổ miếu trở thành địa điểm giao lưu của hai nền văn hóa Việt – Hoa trên vùng đất Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

u_66f2db7e499b39.64713619.jpg

                                                           (Hình ảnh: Lễ hội Chùa Ông)

           Ngày xưa, Thất phủ cổ miếu được xây dựng ngay trung tâm thương cảng Cù Lao Phố, nay thuộc xã Hiệp Hòa, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Chùa nằm ở một địa thế rất đẹp, mặt tiền quay về hướng Tây - Nam nhìn ra sông Đồng Nai, trước cửa tam quan là một cây si cổ thụ lớn, quanh năm toả bóng rợp cả vùng sân. Kể từ khi tạo dựng đến nay, Thất phủ cổ miếu được trùng kiến và trùng tu nhiều lần vào các năm 1743, 1817, 1894… Năm 2009-2010 là đợt trùng tu lớn nhất của Thất phủ cổ miếu. Tuy nhiên, vẫn tuân thủ nguyên tắc phục chế theo nguyên mẫu, có tôn tạo nhưng không làm thay đổi kiểu trúc vốn có của chùa. Chính vì vậy, dù hơn 300 năm tuổi và trải qua nhiều biến cố cùng thời gian, ngôi chùa này vẫn giữ được những nét đặc sắc riêng của cộng đồng người Hoa. Chùa có quy mô kiến trúc "tứ hợp viện" theo truyền thống chùa chiền Trung Hoa, với các thành tố chính: tiền điện, phương đình và chính điện. Kiến trúc và sự bài trí ở đây thể hiện được trình độ kĩ thuật điêu luyện, khiếu thẩm mỹ tinh tế của nghệ nhân dân gian của người Việt và người Hoa.

          Những năm trước đây, lễ hội chùa Ông tổ chức đơn giản, ít nghi thức. Theo ban tổ chức, chùa Ông trải qua nhiều giai đoạn lịch sử thăng trầm nhưng luôn được cộng đồng người Việt gốc Hoa, cũng như nhân dân địa phương giữ gìn, tôn tạo, trở thành một biểu tượng cho sự gắn kết và dung hợp văn hóa - tín ngưỡng của cộng đồng các dân tộc anh em cùng chung sống trên mảnh đất này. Năm 2023, Lễ hội chùa Ông được Bộ VH-TTDL ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đầu tiên của tỉnh Đồng Nai được công nhận. Đây không chỉ là niềm vui của cộng đồng người Hoa mà còn là niềm vui chung của nhân dân trong tỉnh. Lễ hội chùa Ông được tổ chức thường niên, vừa giữ gìn truyền thống trong lễ nghi, vừa bổ sung những hoạt động hội vui tươi, giàu tính văn hóa, lành mạnh và có sức lan tỏa trong cộng đồng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân; đồng thời thể hiện sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Đồng Nai trong giữ gìn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc. Nhiều năm qua tỉnh Đồng Nai đã tạo mọi điều kiện cho Ban Trị sự Thất phủ Cổ miếu làm tốt công tác bảo vệ, trùng tu, tôn tạo và phát huy các giá trị di tích; duy trì, bảo tồn lễ hội, tạo thành sản phẩm du lịch văn hóa, tâm linh của tỉnh và khu vực, thu hút khách đến từ trong nước, ngoài nước đến tham dự, chiêm bái.

          Từ năm 2013, lễ hội chùa Ông chính thức được tổ chức hoành tráng, phục dựng các nghi thức truyền thống xứng tầm với công lao của các bậc tiền nhân. Với nhiều nghi lễ như: Nghinh thần, lễ vía Đức Ông Quan thánh Đế quân; thả phúc khí cầu, thả hoa đăng trên sông. Bên cạnh đó, Lễ hội còn có các hoạt động biểu diễn lân - sư - rồng, võ thuật, tuồng; giao lưu thư pháp Việt - Hoa, hoạt cảnh sân khấu…

          Từ ngày 10-13 tháng Giêng, tại chùa Ông (Thất phủ cổ miếu, P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) sẽ diễn ra lễ hội chùa Ông. Phần lễ sẽ diễn ra nhiều nghi thức như: lễ cúng Trời, cúng Quan Thánh Đế Quân, lễ Nghinh thần, lễ thả Phúc khí cầu và đèn hoa đăng trên sông Đồng Nai. Riêng trong tối mùng 10 tháng Giêng sẽ diễn ra khai mạc lễ hội chùa Ông với các hoạt động: dâng hương, chương trình ca múa nhạc Việt – Hoa; biểu diễn nghệ thuật với trích đoạn sân khấu Rạng ngời trang sử…

u_66f2dbe8876018.54104602.jpg

                                         (Hình ảnh: Khai mạc lễ hội Chùa Ông năm 2024)

 Lễ hội chùa Ông năm 2024 được tổ chức với quy mô lớn nhằm bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể lễ hội chùa Ông, tạo không gian văn hóa tâm linh, kết cộng đồng thông qua các nghi lễ, nghi thức truyền thống, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao dân gian… Lễ hội chùa Ông năm 2024 đón tiếp nhiều đoàn khách quốc tế đến từ các miếu thờ Quan Công nước ngoài như: Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Singapore... cùng đại diện các đoàn khách các tỉnh, thành: Bình Thuận, Bình Dương, Cần Thơ, TP.HCM... Điều này góp phần hình thành sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh đặc trưng của địa phương, thu hút nhân dân, du khách đến tham quan, chiêm bái.

          Lễ hội chùa Ông năm 2024 nằm trong chuỗi hoạt động mừng Xuân Giáp Thìn 2024 với các hoạt động tạo dấu ấn kỷ niệm 340 năm hình thành di tích chùa Ông, đón mừng lễ hội chùa Ông vừa được Bộ VH-TTDL ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đồng thời góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp chính quyền, người dân về việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống của dân tộc. Từ đó, củng cố, thắt chặt và tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân; thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng tâm linh, vui chơi giải trí lành mạnh cho người dân trong dịp đầu Xuân Giáp Thìn 2024.

 

Thông tin chi tiết

Thời gian sắp diễn ra
0Ngày
0Giờ
0Phút
0Giây

Tác giả

Nguyễn Thị Thanh Hiền

Đề xuất

Hạn chế

📅 22/02/2025 🌙 25/01/2025