
Lễ hội năm nay không chỉ là dịp để người dân và du khách hành hương, chiêm bái mà còn mang ý nghĩa đặc biệt trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và nhiều hoạt động đặc sắc, sự kiện này hứa hẹn sẽ mang đến những trải nghiệm ấn tượng, tôn vinh giá trị lịch sử, kiến trúc và nghệ thuật đặc biệt của ngôi chùa cổ kính bậc nhất Việt Nam.
Truyền thuyết vẫn là truyền thuyết, còn chứng tích vật chất liên quan tới ngôi chùa, đó là thời Mạc Phúc Nguyên (1547 – 1561). Đây chính là thời điểm để ngôi chùa có quy mô như hiện nay. Sau đó, Vua Lê Thần Tông, Chúa Tây Vương Trịnh Tạc, Vua Lê Hy Tông có tu sửa thêm, nhưng không nhiều.
Chùa Tây Phương nổi tiếng không chỉ ở sự cổ kính qua truyền thuyết và lịch sử, nó còn nổi tiếng ở cảnh quan mê hồn, bởi tọa lạc trên đỉnh núi Câu Lâu, đột khởi giữa vùng đồng bằng màu mỡ, với núi, non, sông, nước gắn liền với quan niệm phong thủy phương Đông. Tây Phương còn nổi tiếng ở bộ tượng thờ bằng gỗ sơn son thếp vàng, có thể coi là Phật điện đông đúc nhất trong các ngôi chùa ở Việt Nam có giá trị tiêu biểu, xuất sắc về tượng gỗ, được công nhận là Bảo vật Quốc gia năm 2013.
Chùa Tây Phương hiện nay là một quần thể các đơn nguyên, bao gồm các hạng mục sau: Tam quan hạ, Tam quan thượng, Miếu Sơn Thần, Tiền đường, Trung đường, Thượng điện, Nhà tổ, Nhà Mẫu và Nhà khách.
Điểm nhấn của Tây Phương đối với du khách là hệ thống tượng pháp, với những kiệt tác hiếm có trong nghệ thuật điêu khắc tôn giáo. Tiêu biểu là các pho Tuyết Sơn, Thập bát vị La Hán, Bát Bộ kim cương, có niên đại thế kỷ 18. Ngoài ra còn có nhiều pho tượng nổi tiếng khác, thuộc thế kỷ 19, cũng vô cùng ấn tượng. Có thể nói, Tây Phương là một bảo tàng về tượng Phật giáo Việt Nam. Nói như thế, chắc cũng không lấy gì là ngoa ngôn, cường điệu.
Lễ hội năm nay không chỉ là dịp để người dân và du khách hành hương, chiêm bái mà còn mang ý nghĩa đặc biệt trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và nhiều hoạt động đặc sắc, sự kiện này hứa hẹn sẽ mang đến những trải nghiệm ấn tượng, tôn vinh giá trị lịch sử, kiến trúc và nghệ thuật đặc biệt của ngôi chùa cổ kính bậc nhất Việt Nam.
Chính hội chùa Tây Phương diễn ra vào ngày 6/3 Âm lịch hàng năm, với phần lễ và phần hội mang đậm bản sắc truyền thống. Phần lễ được tổ chức trang nghiêm với các nghi thức dâng hương, cúng Phật cầu cho quốc thái dân an, rước kiệu từ chân núi lên chùa, tái hiện nét đẹp văn hóa tâm linh lâu đời. Các xã, thị trấn trong huyện cũng dâng lễ vật lên chùa, thể hiện lòng thành kính của người dân với các bậc tiền nhân
Phần hội lại mang đến một không gian văn hóa đặc sắc với nhiều hoạt động hấp dẫn. Những tiết mục múa rối nước truyền thống được tổ chức tại lễ hội giúp du khách hiểu hơn về nghệ thuật dân gian Việt Nam. Các trò chơi dân gian như ném còn, đi cà kheo, đánh đu cũng thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia, tạo nên bầu không khí sôi động, vui tươi. Đặc biệt, những màn biểu diễn cồng chiêng Tây Nguyên và giao lưu vật dân tộc mang đến sự phong phú, đa dạng cho lễ hội, góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Bên cạnh đó, khu vực trưng bày và bán các sản phẩm làng nghề truyền thống của Thạch Thất cũng là một điểm nhấn thu hút du khách. Những sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh xảo như mây tre đan, đồ gỗ mỹ nghệ… không chỉ phản ánh nét tài hoa của người thợ làng nghề mà còn là những món quà ý nghĩa để du khách mang về làm kỷ niệm.