Âm Lịch 15/2

Lễ hội Co Sầu Trùng Khánh

Lễ hội Bắt đầu ngày 15/2🌙 Âm lịch 1 ngày

            Lễ hội Co Sầu huyện Trùng Khánh được tổ chức vào ngày 15/2 âm lịch hằng năm nhằm tưởng nhớ công lao của các bậc tiền nhân đã có công khai phá, mở mang, xây dựng và bảo vệ sự bình yên của phố Co Sầu (thị trấn Trùng Khánh ngày nay); cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bội thu, nhà nhà bình yên, ấm no, hạnh phúc, từ đó giáo dục đạo lý làm người cho con cháu muôn đời sau. Lễ hội góp phần quảng bá văn hóa, hình ảnh, con người huyện Trùng Khánh đến bạn bè trong và ngoài nước.

Phố Co Sầu xưa nằm ở trung tâm huyện Trùng Khánh, là đầu mối giao lưu giữa các xã trong huyện với các huyện Hạ Lang, Quảng Uyên, Thành phố và tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Tương truyền xưa kia, đây là nơi hội tụ nhiều người ở các vùng, miền qua lại trao đổi hàng hóa, nơi hẹn hò của các tình yêu đôi lứa cho nên kinh tế phố Co Sầu phát triển. 

u_66ee920708a896.40245529.jpg

       Lễ hội gắn liền với đền Quan Thánh, thờ các anh hùng hảo hán có công bảo vệ sự bình an cho thị trấn và tôn thờ các bậc thánh hiền với tài năng, đức độ sáng ngời với ý nghĩa sâu xa: Người Trùng Khánh xưa đã tôn vinh những giá trị đạo đức cao đẹp của con người, từ đó gửi gắm ước nguyện và khát vọng chân chính: các bậc anh hùng, các bậc thánh hiền sẽ phù hộ, độ trì cho muôn dân, tấm gương về tài năng, đức độ của họ sẽ giáo dục đạo lý làm người cho con cháu muôn đời sau.

Đền Quan Thánh được UBND tỉnh ra quyết định xếp hạng công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh ngày 30/12/2014.

     Lễ hội năm nay tổ chức các trò chơi dân gian: lày cỏ, kéo co, bịt mắt đánh trống, bóng chuyền hơi nam, nữ và các màn múa kỳ lân đặc sắc, triển lãm ảnh "Vẻ đẹp Trùng Khánh". Cùng với đó, các tổ dân phố bày bán các gian hàng ẩm thực địa phương; giao lưu hát dân ca; trình diễn các tiết mục văn nghệ đặc sắc mừng Đảng, mừng xuân, quê hương, đất nước đổi mới.

u_66ee9223969e62.50209498.jpg

       Hội Co Sầu mang nét đặc sắc về văn hóa của đồng bào các dân tộc tại huyện Trùng Khánh, có lịch sử từ xa xưa, là nơi hội tụ văn hóa tâm linh cùng những giá trị lịch sử, góp phần tạo nên giá trị đặc sắc riêng về văn hóa của địa phương.

        Lễ hội Co Sầu lưu giữ giá trị lịch sử văn hóa gắn với Đền Quan Thánh (Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh) tọa lạc dưới chân núi Phja Phủ. Đền Quan Thánh khởi nguyên thờ thần núi Phja Phủ với quan niệm cầu mong thần linh che chở, bảo vệ cho nhân dân trước thiên tai. Hiện nay, trên vách núi Phja Phủ sau đền còn khắc dòng chữ Hán được phiên âm “Quan Sơn vệ dân” (dịch là núi bảo vệ nhân dân).

u_66ee92514dbd28.02278796.jpg

       Các hoạt động giao lưu văn nghệ được các nghệ nhân và bà con nhân dân thể hiện tại lễ hội với nhiều làn điệu say đắm lòng người  như: làn điệu phong slư, lượn, then, si giang … mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc được tái hiện tại lễ hội góp phần quan trọng trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa trên địa bàn.

Ngoài ra đến với lễ hội du khách còn được mua sắm, thưởng thức các sản vật, món ăn đặc sắc của địa phương được các xã, thị trấn  và các đơn vị tham gia trưng bày  tại lễ hội.

        Bên cạnh đó là các hoạt động giao lưu văn nghệ, thể thao và các trò chơi dân gian như: giao lưu thi đấu bóng chuyền da, thi kéo co, lày cỏ, nhảy bao bố, bịt mắt bắt vịt… tạo nên không khí vui tươi, phấn khởi,  náo nhiệt của lễ hội.

Lễ hội được ban tổ chức chuẩn bị và thực hiện tốt từ công tác tổ chức, phục vụ, đảm bảo an ninh trật tự và người dân nâng cao ý thức tham gia lễ hội, do đó lễ hội được diễn ra an toàn, đúng quy định, không xảy ra tai nạn, ách tắc giao thông tại khu vực diễn ra lễ hội, để lại ấn tượng tốt đẹp đối với du khách thập phương.

 

Thông tin chi tiết

Thời gian sắp diễn ra
0Ngày
0Giờ
0Phút
0Giây

Tác giả

Ngô Thị Huệ

Đề xuất

Hạn chế

📅 22/02/2025 🌙 25/01/2025