
Lễ hội giã cốm hay còn được biết đến với một cái tên khác là “Tăm Khảu Mảu”, là một ngày hội đặc trưng của người dân tộc Tày, thường được tổ chức vào thời điểm vừa thu hoạch mùa màng xong, đây vừa là dịp để họ ăn mừng vừa là cơ hội để tổ chức cúng kính các vị thần linh đã giúp đỡ họ có một mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa.
Đây là lễ hội được tổ chức hằng năm, được truyền từ bao thế hệ và vẫn còn duy trì đến ngày hôm nay. Hội cốm được bà con nơi đây rất chú trọng, tỉ mỉ trong khâu chuẩn bị và tổ chức. Tuy hội cốm được tổ chức sau khi mùa vụ kết thúc nhưng từ đầu mùa thì người dân đã bắt đầu lên kế hoạch chuẩn bị rồi, nhờ vậy, bạn đã có thể hiểu được tầm quan trọng của lễ hội này đối với người Tày rồi phải không nào.Quá trình làm cốm đòi hỏi sự khéo léo, kiên nhẫn của người Tày. Những bông lúa được đặt lên các vỉ đan bằng tre tươi sau đó đặt lên miệng lò. Khi lúa se khô lại đủ độ thì cho vào cối giã. Để hạt cốm được thơm ngon, mềm dẻo, người Tày thường gói trong lá chuối hoặc lá dong.
Hội cốm của người Tày thường được tổ chức tại huyện Bảo Yên, Lào Cai
Vào những ngày này, các làng thường sẽ tổ chức nhiều buổi thi thố để tranh tài giữa các gia đình người Tày
Để bắt đầu hội cốm của người Tày, từ sáng sớm, người dân nơi đây đã thức dậy, mang những bộ trang phục đẹp nhất rồi đi ra cánh đồng và bắt đầu ngắt những cây nếp đã chín vàng, nặng trĩu vẫn còn đọng sương sớm để mang về chuẩn bị cho lễ hội.
Phần nếp này sẽ được chế biến và giã để trở thành cốm, nên nếp có vai trò rất quan trọng trong lễ hội, nó mang theo linh hồn cũng như chất xúc tác giúp buổi lễ thêm thành công hơn. Vậy nên, việc chọn nếp rất cầu kỳ, tỉ mỉ, nếp phải được chọn từ những hạt đã chắc nẩy, có màu vàng nhạt. Tiếp theo, có 2 cách để chế biến nếp, một là bạn sẽ luộc hoặc sẽ rang chín chúng, sau đó cho vào đuống và giã tiếp.
Có thể nói, giã cốm chính là hoạt động vui nhộn và hấp dẫn nhất của lễ hội. Trong khi giã, xung quanh sẽ diễn ra nhiều hoạt động văn nghệ, ca mùa để cổ vũ tinh thần cho những người giã cốm.
Giã cốm cũng cần có kỹ thuật chuyên nghiệp bạn nhé, bạn cần phải giã chúng theo những điệu nhạc dân gian của người Tày thì hạt cốm mới ngon, mới mềm và truyền tải được năng lượng cũng như sự chân thành của người Tày với thần linh. Để hoàn thành phần lễ của hội cốm của người Tày, người giã cần phải giã theo nhịp của khoảng 6 bài, mỗi bài đều mang một ý nghĩa thiêng liêng khác nhau, mỗi một giai điệu và ca từ không giống nhau, có thể là bài về tình yêu nam nữ, về mùa màng bội thu, về những đức tính hiền hòa của người Tày,...
Và sau khi kết thúc phần giã cốm, bạn sẽ đến phần chế biến các món ăn được làm từ cốm vừa giã. Cốm tươi thì được làm thành món ăn tráng miệng với chuối ngự, một phần khác thì được dùng để nấu cháo vịt, nấu xôi hoặc chiên lên để ăn vặt.
Tất cả những món ăn này đều được dâng lên đầu tiên cho các vị thần linh để họ có thể dùng trước, thấu hiểu được sự biết ơn của người nông dân muốn truyền đến họ và cầu mong cho họ tiếp tục có một mùa màng bội thu nữa.
Hội cốm có thể diễn ra xuyên suốt cả ngày, bạn dường như sẽ nghe được tiếng giã cốm văng vẳng khắp cả ngày.