
Nét đẹp văn hóa trong cúng rừng của đồng bào các dân tộc Lào Cai
Tục lệ cúng rừng của đồng bào dân tộc Nùng ở thị trấn Mường Khương thường được tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm. Buổi lễ có ý nghĩa tuyên truyền răn dạy cho con cháu đồng bào dân tộc nơi đây có ý thức giữ gìn và bảo vệ rừng. Đồng thời, cầu cho một năm mới mùa màng bội thu, nhà nhà có cuộc sống ấm no và hạnh phúc.
Thầy cúng thực hiện nghi lễ cúng rừng.
Đầu giờ sáng, thầy cúng cùng đông đảo đồng bào dân tộc Nùng trên địa bàn thị trấn Mường Khương đã có mặt đông đủ để chuẩn bị chu đáo cho buổi Lễ cúng rừng. Không chỉ người Nùng mà đông đảo bà con lân cận cũng có mặt để tham dự. Ông Đỗ Văn Mậu, tổ dân phố Phố Cũ, thị trấn Mường Khương, huyện Mường Khương chia sẻ: "Người dân ở khu vực xung quanh đến đây cúng để cầu lộc cho người dân mong mọi sự bình an".
Vật tế lễ cúng rừng của đồng bào Nùng là những vật nuôi, sản phẩm gắn bó với cuộc sống hàng ngày. Phần cúng lễ được thực hiện thiêng liêng với phần tế sống và mâm lễ chín với đầy đủ thịt, cơm, rượu dâng lên thần rừng.
Đông đảo người dân đến tham gia lễ cúng rừng cầu lộc, cầu bình an.
Trong không gian thiêng liêng của khu rừng cấm, tất cả mọi người tham gia buổi lễ đều tự nguyện tuân thủ 6 quy định đã đặt ra và được niêm yết ngay dưới chân núi đó là: Không múa hát, mất trật tự, mất đoàn kết, mất vệ sinh; không lấy các loài động thực vật của rừng; không bàn, tụ tập vi phạm pháp luật; cầu điều thiện, không cầu điều ác… ông Lù Sìn Lền, tổ dân phố Na Khui - Na Pên, thị trấn Mường Khương, huyện Mường Khương nói: "Lịch sử rừng cấm này có hàng nghìn năm nay rồi. Việc cúng rừng có ý nghĩa là phù hộ độ trì cho Nhân dân làm ăn tốt và bảo vệ quê hương đất nước".
Anh Nùng Tấn Tiến, tổ trưởng Tổ dân phố Na Khui, thị trấn Mường Khương, huyện Mường Khương cho biết: "Năm nay tổ chức khác hơn năm trước rất nhiều vì năm nay có bậc lên được đổ bê tông hết, sạch sẽ, chỗ ăn ngồi sạch đảm bảo vệ sinh".
Thông qua nghi Lễ cúng rừng, những quy định trong rừng cấm đã được lớp lớp các thế hệ ghi nhớ và truyền dạy cho con cháu để rừng mãi được xanh tươi, bảo vệ, che chở cho dân làng từ đời này sang đời khác.