Âm Lịch 4/1

Lễ hội cướp cù

Lễ hội Bắt đầu ngày 4/1🌙 Âm lịch 2 ngày

Trò chơi dân gian là một bộ phận quan trọng và độc đáo trong kho tàng di sản văn hóa Việt Nam. Trò chơi dân gian phản ánh quan niệm về vũ trụ, nhân sinh và chứa đựng những ý tưởng thẩm mỹ mang đậm dấu ấn của mỗi địa phương, vùng văn hóa. Không chỉ thăng hoa về mặt ý nghĩa nhân văn, trò chơi dân gian còn thiết thực với đời sống tinh thần, vật chất của mỗi con người, của mỗi cộng đồng.

Trò chơi dân gian là một sinh hoạt văn hoá do nhân dân sáng tạo trong quá trình lao động sản xuất và được cộng đồng gìn giữ và bảo tồn. Trò chơi dân gian không chỉ là phương tiện thư giãn, giải trí bổ ích sau những ngày lao động vất vả mà còn góp phần gia tăng sự hưng phấn trong lao động sản xuất, sự dẻo dai và ý thức vươn lên, giành chiến thắng trong những hoàn cảnh khắc nghiệt.

anh-bai-4-2.jpg

Lịch sử vùng đất Quảng Trị được hình thành từ cái nôi của văn hoá Đại Việt trên đất Bắc qua các cuộc di dân lẻ tẻ hoặc tập trung dưới các triều đại phong kiến trước đây. Văn hóa Quảng Trị mang trong mình cốt cách của cố hương kết hợp với các yếu tố văn hoá của cư dân tiền trú được tiếp nhận trên vùng đất mới trong quá trình giao lưu và hội nhập. Từ đó tạo nên bản sắc riêng của văn hóa Quảng Trị. Trò chơi cướp cù là một cách thức biểu hiện quan niệm vận động, sinh sôi và cũng là sự hội lưu văn hóa dân gian của người Việt vùng Quảng Trị. Quả cù/cầu tròn biểu tượng dương thể hiện cho tín ngưỡng thờ thần mặt trời - trung tâm của mọi hoạt động sản xuất nông nghiệp. Cách ngày nay khoảng 2.500 năm, việc tôn thờ mặt trời đã được thể hiện qua hình tượng ngôi sao trên mặt trống đồng Đông Sơn. Ngày nay, qua biến thiên của lịch sử, người ta không còn thấy nguyên vẹn tín ngưỡng này nữa, nhưng di ảnh của nó vẫn được nhìn thấy trong hội cướp cù của nhiều làng xã ở Quảng Trị. Quả cù tròn mang ý nghĩa tượng trưng cho mặt trời, cướp cù chính là giành mặt trời, giành ánh sáng cho nông nghiệp, cho nghề nông.

Trên địa bàn Quảng Trị từ xư tói nay, hội cướp cù là một loại hình trò chơi mang tính dân gian được lưu truyền qua nhiều thế hệ và mang tính cộng đồng cao. Hội cướp cù được diễn ra trong những ngày đầu xuân ở một số làng quê như: Cẩm Phổ, An Mỹ (Gio Linh), Mỹ Thủy, Kim Long, Đồng Dương (Hải Lăng), Nam Phú (Vĩnh Linh)... Thời gian mở hội vào những ngày nhất định hằng năm sau ba ngày Tết Nguyên Đán, tuỳ theo từng làng. Với một ý nghĩa cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng được tươi tốt, dân làng bình yên, ngư dân ra khơi thì thuận buồn xuôi gió, đánh bắt được nhiều tôm cá... Hội cướp cù làng Cẩm Phổ, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh cũng không nằm ngoài ý nghĩa đó.

anh-bai-4.jpg

Nguồn gốc trò chơi này được dân làng kể lại rằng: Ngày xưa, tại làng Cẩm Phổ có hai vợ chồng già tên là ông Cảm, bà Cảm sống dưới một gốc cây Sanh lớn bên đồi cát của làng. Vì không có con nên ông bà rất thích chơi với trẻ trong làng. Hàng năm, cứ đến ngày tết trung thu, sau khi ông bà làm lễ cúng trời đất thì thường đem các lễ vật phát cho các trẻ mục đồng gần đó. Những lễ vật đó, ông bà không trao trực tiếp đến tay bọn trẻ mà tung lên trời cho chúng tranh cướp, thậm chí ông bà còn bày cho các trẻ mục đồng chia phe để cướp quà và lấy đó là niềm vui. Đồng thời, trong những lúc phát quà cho trẻ ông thường dặn rằng: sau này khi ông bà mất đi thì thì cứ đến ngày tết trung thu hàng năm hãy mang lễ vật đến nơi ông bà từng sống để cúng, sau đó tổ chức giành lễ vật giống như cách ông bà từng làm và chơi những trò mà ông bà từng dạy. Vì vậy, sau khi ông bà mất, cứ đến ngày tết trung thu, dân làng mang lễ vật đến nơi ông bà từng sống để cúng sau đó tổ chức cho trẻ trong làng chia phe để tranh cướp quà. Từ đó, dần dần hình thành trò chơi cướp cù và trò chơi này trải qua thời gian trở thành ngày hội lớn của làng.

Hội cướp cù truyền thống làng Cẩm Phổ thường được tổ chức thường niên vào ngày mồng 7 Tết Nguyên đán, trùng vào ngày lễ khai hạ/hạ nêu. Đây là thời điểm dân làng không còn vướng bận công việc đồng áng của ngày thường, có thể bắt đầu du xuân và về tham dự lễ hội. Theo quan niệm, có chơi cù thì mới được mùa, nếu vì một lý do nào đó không tổ chức được thì năm đó sẽ mất mùa, mọi công việc diễn ra không đạt được như mong muốn. Bởi vậy, cứ đến ngày mồng 7 tháng Giêng hàng năm, dẫu mưa gió, làng vẫn tổ chức ngày hội cướp cù. Hội cướp cù đã trở thành ngày hội truyền thống của cộng đồng và là nét sinh hoạt văn hóa dân gian không thể thiếu được trong đời sống tinh thần của người dân làng Cẩm Phổ.

Hội cướp cù là một trò chơi mang tính cộng đồng cao, tập hợp được toàn thể người dân trong làng tham gia, đặc biệt hội chơi này diễn ra trong dịp tết Nguyên đán nên đã tạo được không khí vui tươi và tinh thần đoàn kết trong dân làng. Đây là một trò chơi mang tính cộng đồng nên để tiến hành được trò chơi này đòi hỏi phải tập hợp đủ người và chọn những người khoẻ mạnh để tham gia chơi.

Trước ngày vào hội, chức sắc trong làng họp bầu ban điều hành, ban hậu cần và phân công từng công việc cụ thể:

* Công tác chuẩn bị: Trước tiên là chuẩn bị quả cù - phương tiện chính của ngày hội. Quả cù được đẽo từ gốc chuối sứ lớn được trồng ở những nơi sạch sẽ, đường kính khoảng 20cm - 30cm, quả cù phải sạch nhựa và có độ dẻo cần thiết, bởi nó thường xuyên bị giành giật, quăng ném nên rất dễ vỡ trong khi chơi. Vì vậy, quả cù sau khi tạo dáng xong thì được nướng chín. Lúc này quả cầu có màu nâu sẩm và rất dẻo không bị nứt vỡ khi chơi. Cù gồm có 3 quả để chơi trong 3 hiệp, đồng thời theo quan niệm của người dân 3 quả cù cũng tượng trưng cho ba cõi (tam tài): Thiên - Địa - Nhân.

Nơi diễn ra hội cù là đồi cát có tên là Động Cù, rộng khoảng 2ha đến 3ha. Sân chơi có chiều dài khoảng 150m, chiều rộng khoảng 100m. Hai đầu sân cắm hai cây tre cao chừng 5m, từ mặt đất lên khoảng 4m có buộc một chiếc sọt đan bằng tre, miệng sọt chỉ vừa lọt quả cù không được rộng hơn, đường kính khoảng 40cm, cao 50cm.

Ngày mồng 7 tháng giêng (âm lịch), trước khi tổ chức cuộc chơi, Ban điều hành làng đưa 3 quả cù đến tại Động cù của làng làm lễ tế thổ thần và ông bà Cảm xin phép được tổ chức hội cù. Các quả cù được bọc bằng giấy màu cẩn thận, mỗi quả mỗi màu khác nhau. Lễ cúng có nhang đèn, trầu rượu và mâm ngũ quả, có đại cổ, tiểu cổ trang trọng. Sau khi kết thúc 3 tuần rượu thì khởi lệnh bằng 3 hồi trống để báo hiệu mọi người vào cuộc chơi.

anh-bai-1.jpg

* Cách thức tổ chức cuộc chơi:

- Về thể lệ, thông thường hội cù diễn ra 3 hiệp tương ứng với 3 quả cù, mỗi hiệp chơi được quy định 30 phút. Trong hiệp chơi đó, nếu đội nào ném được cù vào sọt của mình trước thì đội đó sẽ chiến thắng và kết thúc luôn hiệp đấu mặc dù chưa hết thời gian quy định. Trong trường hợp hết thời gian quy định của hiệp đấu mà không có đội nào ném được cù vào sọt thì quả cù được trả lại bàn lễ. Trò chơi này chỉ được sử dụng tay để cướp cù, người nào giành được cù thì chạy về phía cột cù của đội mình để ném vào sọt. Đội bên kia có quyền bám vào cột để rung, với mục đích không để cho đối phương ném được cù vào sọt.

- Về thành phần tham dự và luật chơi: Làng Cẩm Phổ có hai họ lớn đó là họ Lê, họ Nguyễn và chia làm hai đội Lê - Nguyễn. Về sau này, đội chơi được chia theo địa bàn cư trú, ở giữa làng có hồ nước nhỏ người dân gọi là ao, nên tên gọi của 2 đội chơi là Ao vô (gồm đội 1 và đội 2) và Ao ra (gồm đội 3, đội 4 và đội 5). Từ trước cho đến nay, hội cướp cù không quy định luật chơi nghiêm khắc, không hạn chế số lượng người chơi, dù nam hay nữ ai muốn chơi đều có thể nhập hội, kể cả khách thập phương về dự, người đang chơi có thể không chơi nữa, không quy định giải thưởng. Đội nào huy động được nhiều người, nhiều trai tráng tham gia thì phần thắng có khả năng nghiêng về phía đó. Ở mỗi hội cù, số người chơi trung bình 150 người có khi lên đến 200 người.

- Về cuộc chơi: Khi tiếng trống khai hội vừa dứt, ba hồi trống vang lên. Lúc này người chơi về vị trí của đội mình để chuẩn bị vào hội. Động lệnh của hội được đánh lặp lại một hồi 3 tiếng trống. Tiếng trống thứ ba vừa dứt, quả cù được trưởng làng tung lên cao, người chơi của của hai đội xông ra tranh giành cho được quả cù và chuyền cho đội mình để ném vào chiếc sọt đã quy định. Nguyên tắc chơi là như vậy. Nhưng trên thực tế không đơn giản. Khi quả cù được tung ra sân, không phải một người mà hàng chục người thậm chí hàng trăm người tranh giành nhau. Một khi người nào đó vừa ôm được quả cù, định chạy đến cột cù của đội mình thì đã có hàng chục người ùa vào vật nhào anh ta xuống đất để giành lại quả cù. Cứ thế, cuộc giành giật này xảy ra liên tục. Trường hợp có người nào đó cướp được quả cù, xô ngã tất cả những người ngăn cản để chạy đến cột cù để ném vào sọt, thì phe đối phướng sẽ chạy đến cầm cột cù đảo qua đảo lại, làm cho cái sọt không đứng yên một chỗ, có tung được cù lên chưa chắc đã vào sọt. Và cứ như thế hội cù diễn ra theo 3 hiệp cho đến khi kết thúc trận đấu. Đôi khi cả 3 hiệp đều trôi qua mà không có đội nào ném được quả cù vào sọt cả.

* Phần thưởng:

Trước năm 1945, làng có đặt giải thưởng cho đội giành được phần thắng trong hội cù là 8 quan tiền, giá trị bằng một con bò. Hiện nay, phần thưởng cho đội thắng có năm thì thưởng 1 con lợn, có năm thì thưởng tiền tuỳ vào quy định và kinh phí của làng. Nếu hội cù kết thúc mà không phân định được thắng thua thì phần thưởng được làng giữ lại, những người chơi cũng vinh dự được làng mời những chén rượu nồng để lấy lộc đầu năm.

Hội cướp cù trải qua thời gian đã trở thành một trò chơi truyền thống của người dân làng Cẩm Phổ trong những ngày xuân ấm áp; nó phản ánh nhiều mặt về tín ngưỡng, phong tục của địa phương, đồng thời còn tạo được tính cố kết cộng đồng trong mối quan hệ tình làng nghĩa xóm. Do đó, trò chơi này cần được bảo tồn và phát huy./.

 

 

Thông tin chi tiết

Thời gian sắp diễn ra
0Ngày
0Giờ
0Phút
0Giây

Địa điểm

Tỉnh Quảng Trị

Tác giả

Ngô Thị Đào

Đề xuất

Hạn chế

📅 22/02/2025 🌙 25/01/2025