
Lễ hội Đầu Pháo:
1. Lịch sử lễ hội đầu pháo Kỳ Lừa:
Lễ hội đầu pháo Kỳ Lừa được tổ chức từ thế kỷ XVII, gắn với một truyền thuyết lịch sử thể hiện lòng nghĩa hiệp của viên tướng thời Hậu Lê là Thần Công Tài đối với một viên quan nhà Trần là Tuần Tranh. Vì cảm phục lòng nghĩa hiệp của ông Thân Công Tài đã có công viết sớ về tâu với Vua để minh oan cho ông Tuần Tranh nên hàng năm nhân dân địa phương đã mở hội rước ông Tuần Tranh (từ đền Kỳ Cùng) lên tạ nghĩa với ông Thân Công Tài (đền Tả Phủ).

2. Lễ hội diễn ra:

Đúng giờ ngọ ngày 22 tháng Giêng (tức ngày 2-3 vừa qua) diễn ra lễ rước kiệu quan lớn Tuần Tranh từ đền Kỳ Cùng (phường Vĩnh Trại) sang đền Tả Phủ (phường Hoàng Văn Thụ) cách 2km. Đến ngày 27 tháng Giêng lại rước quan lớn Tuần Tranh về đền Kỳ Cùng.
Tâm điểm của lễ hội Kỳ Cùng - Tả Phủ là màn tranh đầu pháo, diễn ra tại đền Tả Phủ vào ngày 7-3 (27 tháng Giêng).

Đầu pháo được treo trên cây tre cao khoảng 15m, bên trong đầu pháo, có một vòng kim loại nhỏ, nối với đầu pháo là hai dây pháo cháy chậm buông xuống sát đất. Khi pháo được đốt, đầu pháo nổ và vòng kim loại bay lên không trung, mọi người chờ vòng kim loại rơi xuống để nhặt.

Tín ngưỡng ở đây tin rằng, người nào tranh (nhặt) được đầu pháo sẽ có nhiều tài lộc, may mắn. Do đó, đây cũng là sự kiện được nhiều người háo hức chờ đợi, muốn thử vận may đầu năm…
Từ đêm qua 6-3, hàng ngàn người dân và khách du lịch thập phương đã kéo về TP Lạng Sơn để hát hò, nhảy múa, xem bắn pháo hoa, ăn uống chờ lễ hội tranh đầu pháo. Hầu hết các nhà nghỉ, nhà trọ, khách sạn, nhà hàng… đều kín chỗ, kín lịch đặt phòng, đặt bàn.



Đây là lễ hội mà người dân ở Lạng Sơn mong chờ nhất trong năm, khách du lịch cũng háo hức tham gia lễ hội kết hợp lễ bái tại các ngôi đền gắn với tín ngưỡng thờ mẫu tam phủ, tứ phủ (đạo mẫu, vốn là tín ngưỡng nguyên thủy - tín ngưỡng gốc ở Việt Nam, có lịch sử hàng ngàn năm).