
Chùa này, đúng ra phải gọi là đền, vì nơi đây không thờ Phật, mà lại thờ một vị thần gốc Trung Hoa, dân chúng quen gọi là chùa Lào Yá. Chùa tọa lạc tại xã Long Sơn, cách quận lỵ Tân Châu (An Giang) độ 4 cây số, ở hữu ngạn rạch Cái Vùng, mặt chùa hướng ra vàm rạch. Lào Yá đã được triều đình nhà Thanh sắc phong là Bảo Sanh Đại Đế.
Lào Yá chính là tiếng Triều Châu đọc theo hai chữ Lão gia. Tên thật của ông không ai rõ, dân chúng trong vùng quen dùng hai tiếng Triều Châu Lào Yá để gọi và cũng có người gọi kính cẩn là Quan Lớn hoặc Lão Y nghĩa là một danh y từng trải, và thói quen này đã hầu như át hẳn bốn chữ Bảo Sanh đại đế, xa lạ với quần chúng.
Chùa Lào Yá được lập nên gần một thế kỷ rồi và người dân rất tôn sùng ông. Hàng năm vào ngày rằm tháng Giêng, dân chúng có cử hành lễ tại chùa rất long trọng, còn quanh năm chùa có người tới lễ, khói hương nghi ngút.

Cổng vào Đền Bảo Sanh Đại Đế
Tương truyền, thần sinh trưởng ở vùng Phúc Kiến, vào thời nhà Tùy bên Trung Quốc. Từ nhỏ, ngài tỏ rõ tư chất thông minh nên được các vị tiên trên núi dạy cho phép tiên và các thuật linh đơn.

Bảo Sanh Đại Đế
Vào tuổi thanh niên, ngài kết thân với Lâm Ngạc Nương (người sau này được sắc phong là Thiên Hậu nương nương) nhưng không lập gia đình mà rày đây mai đó, tiêu dao cùng cỏ cây mây nước và chẩn mạch, bốc thuốc cứu nhân độ thế. Danh tiếng ngài lẫy lừng khắp một miền Hoa Hạ xuống tận Giang Nam.
Một hôm, nghe tin thân mẫu lâm bệnh nặng, ngài vội vã trở về quê nhà nhưng không kịp nữa, thân mẫu ngài qua đời. Từ đó, ngài buồn bã trong lòng, nên xếp tất cả sách vở, y cụ vào hòm khóa lại, đưa lên gác cất còn chìa khóa thì quăng xuống sông Hoàng Hà, lên núi ở ẩn.

Mẫu thân qua đời, ông lên núi ở ẩn
Một hôm, nghe tiếng người kêu cứu thảm thiết, ngài động lòng, tìm đến, mới hay người vợ trẻ của chàng ngư phủ đang hồi nguy kịch trong cơn vượt cạn khó khăn. Ngài không nhẫn tâm nên ra tay cứu giúp. Chàng ngư phủ vui mừng khôn tả, ngày hôm sau ra sông Hoàng Hà câu con cá chép lớn mang lên núi tặng ân nhân.

Chữ “Phúc” trong đền
Nhận quà tạ ơn, hôm sau, ngài mang cá ra bờ sông phóng sinh nhưng lạ thay, trước khi từ biệt, cá chép cứ nhìn ngài chăm chú. Ngài đưa tay xuống nước thì trong miệng cá nhả ra chiếc chìa khóa mà hơn mười năm trước ngài từng quẳng đi. Biết là số trời đã định, ngài trở về lều tranh, lấy chiếc hòm cũ ra và bắt đầu chuyên tâm nghề thuốc, chữa bệnh cứu người. Người dân biết ơn tôn ngài là Bảo sanh Đại đế.
Thần Bảo sanh đại đế, vừa là một vị thần của tín ngưỡng dân gian, vừa mang dáng dấp khá tiêu biểu của Lão giáo – một trong ba tôn giáo lớn trong lịch sử Trung Hoa.


Nơi thờ cúng Bảo Sanh Đại Đế
Khi di cư sang các nước Đông Nam Á, người Hoa mang theo cả vị thần Bảo sanh của mình và nhanh chóng được cả cộng đồng cư dân bản địa cùng tôn thờ.

Đền xây năm 1864
Hội đền mở ngày rằm tháng Giêng hằng năm. Trong hội có tục “Ông lên” và “Du hồ chúng cô bát tiên“. Chuẩn bị trò này rất tốn kém nên hàng năm chỉ trình diễn trong ngày hội.

Bên trong Đền

Bát hương thờ cúng ghi chữ “Bảo Sanh Đại Đế”
Tương truyền rằng, khi xây dựng đền Ông đạp đồng về chỉ vị trí mé rạch, mặt tiền hướng ra rạch sông cái vừng để ngăn chặn lũ tà ma yêu quái quái phá. Bổn hội lấy làm lo lắng vì chỗ này đang bị lỡ đất. Tuy nhiên khi đền xây xong thì đất không lở mà bồi lắng trở lại, nên dân trong làng càng tin tưởng. Đền được trùng tu nhiều lần và bổn hội mua thêm đất để xây dựng rộng rãi uy nghiêm như hiện nay.