
Ngày 17 và 18-4 (tức 9 và 10 tháng 3 âm lịch), nhân dân 8 thôn của 2 xã Cao Đức và Vạn Ninh (Gia Bình) lại tổ chức rước kiệu, long đình… từ làng mình về đền thờ Cao Lỗ Vương để tế lễ mở hội, tưởng nhớ người có công chế tạo nỏ thần giúp vua An Dương Vương và xây dựng thành.
Đến đền thờ Cao Lỗ Vương nằm ven bờ Nam sông Đuống, hướng mặt về Lục Đầu giang, bao quanh là sông nước mênh mang, cây cối xanh tốt thuộc thôn Đại Trung (xã Cao Đức). Ông Nguyễn Văn Diện, 74 tuổi, xã Định Sơn, huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) chia sẻ: Gần ngày hội Cao Lỗ Vương tôi cùng các bạn đến đây vừa để dâng hương tri ân công đức của tướng quân Cao Lỗ vừa để tham quan, tìm hiểu về truyền thống văn hóa, vùng đất, con người nơi đây. Đền thờ và hệ thống di tích liên quan không chỉ có ý nghĩa lịch sử mà còn nằm ở những vị trí rất đẹp, con người nơi đây chất phác, nghĩa tình để lại nhiều ấn tượng trong mỗi du khách… Theo những sử liệu, thần tích còn lưu truyền, Cao Lỗ Vương sinh ra tại Sỹ Lộ trang, nay thuộc xã Cao Đức, ngay từ nhỏ ông đã thông minh, hiếu học, khi trưởng thành văn võ hơn người, thường theo An Dương Vương đi đánh giặc. Ông được An Dương Vương giao việc chế tạo nỏ thần. Nhờ có nỏ thần mà An Dương Vương đánh lui được mọi quân xâm lược. Về sau, An Dương Vương nghe theo gian thần xử ông tội chết. Thi hài ông được đưa về quê an táng, nhân dân dựng đền thờ ông. Các đời vua đều có sắc phong cho người được thờ, cùng với gia phả đền còn bảo lưu 21 đạo sắc phong cho biết rõ về người được thờ; sắc cổ nhất có niên đại Cảnh Hưng 4 (năm 1796), sắc muộn nhất có niên đại Khải Định 9 (năm 1924).

Theo tục lệ, vào ngày lễ hội, 8 thôn thuộc xã Vạn Ninh và Cao Đức tổ chức rước kiệu, long đình đến Đền để tế lễ
Để ghi công ơn và tưởng nhớ Tướng quân Cao Lỗ, cứ đến ngày Mồng 10/3 (Âm lịch) hàng năm, tại Di tích lịch sử cấp quốc gia Đền Cao Lỗ Vương, nhân dân ở 8 thôn, vùng Đại Than đồng loạt tổ chức rước kiệu, long đình đến Đền để tế lễ.
Ngày hội không chỉ mang đậm bản sắc văn hóa tín ngưỡng của người Kinh Bắc, mà còn nhắc nhở con cháu ghi nhớ công ơn của các bậc tiền nhân.

Vào ngày chính lễ đông đảo nhân dân địa phương và du khách về Đền Cao Lỗ thành kính dâng hương, hương hoa tưởng nhớ công ơn của ngài
Sau phần tế lễ, rước kiệu theo nghi thức truyền thống là phần hội với phong phú hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao đậm bản sắc của vùng đất Bắc Ninh-Kinh Bắc; Các trò chơi dân gian thể hiện tinh thần đoàn kết, khát vọng vươn lên của mảnh đất thuần nông này.
Lễ hội Cao Lỗ Vương năm nay, kỷ niệm 2.299 năm Ngày sinh Tướng quân Cao Lỗ, cũng là dịp quảng bá hình ảnh vùng đất Bắc Ninh – Kinh Bắc giàu truyền thống văn hiến tới du khách thập phương. Năm nay, Lễ hội được tổ chức trang nghiêm, tiết kiệm, đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19, an ninh trật tự, an toàn giao thông và phòng cháy, chữa cháy.