
Theo các nhà khoa học, tín ngưỡng thờ bà Thiên Y A Na được bắt nguồn từ tục thờ bà Ponagar của người Chăm. Bà Thiên Y A Na hay bà Chúa Ngọc, người Chăm gọi là nữ thần Ponagar. Tuy chỉ là một vị thần theo truyền thuyết, nhưng đã được cư dân Việt và Chăm thờ phụng, và đã được nhà Nguyễn xếp vào bậc thượng đẳng thần.
Theo các nhà khoa học, tín ngưỡng thờ bà Thiên Y A Na được bắt nguồn từ tục thờ bà Ponagar của người Chăm. Bà Thiên Y A Na hay bà Chúa Ngọc, người Chăm gọi là nữ thần Ponagar. Tuy chỉ là một vị thần theo truyền thuyết, nhưng đã được cư dân Việt và Chăm thờ phụng, và đã được nhà Nguyễn xếp vào bậc thượng đẳng thần.
HuyệnTrà Bồng (Quảng Ngãi) từ bao lâu nay được mệnh danh là Tây Trà (đất quế). Nhưng về đây không chỉ để tham quan những rừng quế bạt ngàn mà du khách còn có dịp ghé thăm điện Trường Bà - một di tích văn hóa độc đáo với sự giao thoa tín ngưỡng giữa hai dân tộc Kinh, Kor và cả dân tộc Chăm.
Đây là di tích tín ngưỡng tương đối đặc biệt, một công trình kiến trúc khiêm tốn, trang nghiêm, là một trong số những đền thờ bà Thiên Y A Na trên đất Quảng Ngãi. Gọi di tích này tương đối đặc biệt bởi ở chỗ cùng được cư dân các dân tộc Kor, dân tộc Kinh (ở bản địa - huyện Trà Bồng) thờ phụng trang nghiêm, và hàng năm vào Lệ xuân, được tổ chức vào ngày 16 tháng 4 Âm lịch, còn có người Chăm ở Châu Đốc (tỉnh An Giang) và người Việt gốc Hoa ở Hội An (tỉnh Quảng Nam) cùng về đây tề tựu dâng hương, lễ vật và tham gia lễ hội tưởng nhớ công đức nữ thần Ponagar rất trang trọng.
Chính vì tương đối đặc biệt như vậy, chúng tôi đã nhiều lần cố công tìm hiểu lịch sử hình thành ngôi đền này, nhưng tất cả đều không thể biết chính xác ai là người xây dựng đầu tiên và xây dựng từ khi nào. Và cũng chưa ai có thể lý giải được vì sao ngôi đền này được cả người Kor, người Kinh, người Chăm, người Hoa cùng tôn kính, thờ phụng trang nghiêm.
1.Vị trí địa lý, cảnh quan môi trường
Điện Trường Bà tọa lạc bên tỉnh lộ 622, thuộc địa phận thị trấn Trà Xuân, huyện Trà Bồng. Nằm ngay sát đường liên huyện Trà Bồng - Tây Trà, từ điện Trường Bà nhìn ra là một cánh đồng lúa xanh, sau lưng là rừng quế và con sông Trà Bồng trong xanh lững lờ trôi qua những bản làng. Trước điện là cây si già ôm choàng lấy cổng với những nhánh cây tỏa rộng che bóng, mang cho ngôi đền một nét cổ xưa, trầm mặc.

Về Trà Bồng, sau khi thăm điện Trường Bà, du khách thường ngược đường lên núi Cà Đam cao trên 1.000 mét so với mặt biển, tha hồ ngắm nhìn núi đồi và những rẫy quế bạt ngàn của đồng bào dân tộc Kor anh em.
Từ xa xưa, khi đường bộ chưa phát triển, quế Trà Bồng theo những chuyến ghe xuôi về cửa Sa Cần, cửa Đại Cổ Lũy chủ yếu bán cho thương lái Hoa kiều xuất ra nước ngoài.
Người dân Trà Bồng còn kể: thời Mỹ Diệm, bà Trần Lệ Xuân từng chủ trương mở con đường từ thị trấn Trà Xuân, huyện lỵ Trà Bồng qua các xã Trà Thủy, Trà Thanh và dự định kéo dài ra Trà My (Quảng Nam) để khai thác quế. Nhưng rồi việc làm đường bất thành trước sự tấn công của bộ đội và du kích.
Quế Trà Bồng có đặc điểm vỏ dày, hàm lượng tinh dầu cao nên những năm 1980 của thế kỷ trước, xuất qua các nước Đông Âu đem lại khoảng lợi nhuận khá lớn cho dân đất này.
Người Trà Bồng mến yêu cây quế và cũng nhờ cây quế mà có nhiều cơ hội giao lưu, mua bán với người Kinh. Và cũng nhờ chung sống từ lâu đời nên mối quan hệ làm ăn, buôn bán và tín ngưỡng có sự giao thoa và tình đoàn kết giữa hai dân tộc khá bền chặt.
Trong chiến tranh Việt Nam, đồng bào Kor và đồng bào Kinh dưới sự lãnh đạo của Đảng đã làm nên cuộc Khởi nghĩa Trà Bồng vào ngày 28/8/1959. Sau khi Bác Hồ mất, đồng bào dân tộc Kor đã tổ chức lễ tưởng niệm và tự nguyện mang họ của Bác Hồ.
2.Kiến trúc
Ngôi điện khá giống với các kiến trúc điện thờ trải dọc miền Trung nước ta, hơn nữa những dấu tích kiến trúc của thời kỳ đầu xây dựng điện hiện gần như không còn gì.
Sự độc đáo ở đây chính là những nội dung mà ngôi điện này chứa đựng. Trong chính điện có ban thờ Bà ở chính giữa, có tượng Bà và môn đệ. Tượng Bà là một bức tượng được chế tác bằng đá, y phục màu xanh, tất cả những đặc trưng khuôn mặt, y phục… đều cho thấy đây là một bức tượng Trung Hoa. Với những đặc điểm của bức tượng và các nhân vật được thờ trong điện có thể thấy ngôi điện này là sản phẩm của người Hoa. Tượng Bà được phủ khăn đỏ, chỉ có thể quan sát được vào dịp ngày Lệ Xuân tiến hành vào ngày 16/4 âm lịch hàng năm. Trong điện còn thờ cả Quan Vũ, Triệu Tử Long, Trương Phi, bộ tướng của Lưu Bị nhà Thục. Ngoài ra còn có ban thờ vua, ban công đồng, ban thờ Thần. Tóm lại những yếu tố của một ngôi đền đa thần đều thấy rất rõ. Đặc biệt người dân ở đây còn gọi là đền thờ Thiên Yana.

Hiện nay trong gian chính của Điện Trường Bà thờ bà Thiên Y A Na và là đối tượng thờ chính từ xa xưa. Phía trong điện phối thờ hai vị nhân thần có công đi mở đất Trấn Nam dinh là phó đô tướng dương võ công thần Mai Đình Đông và Trấn quốc công Bùi Tá Hán - người có công lớn trong buổi đầu đi mở đất Quảng Nam, Quảng Ngãi.
Bên ngoài điện, nằm về phía Tây còn có miếu thờ Bạch hổ sơn quân. Tương truyền, xưa kia, ở vùng rừng quế bạt ngàn này có con hổ trắng mà dân làng kính trọng gọi là Ông hổ đi tu. Nhờ có ông mà các loài thú khác không về quấy phá dân làng. Khi ông hổ mất dân làng đem chôn và lập đền thờ, cạnh đó là tượng hai con voi.




3.Tín ngưỡng
Từ xa xưa cho đến nay trong dịp lễ hội hàng năm người Hoa, chủ yếu là thương gia từ Hội An, An Giang, Tiền Giang, Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh... đều về đây đự và đóng góp nhiều tiền của cho đền.
Chúng tôi cho rằng thực chất ngôi đền và nhân vật Bà được tạo dựng vào thời kỳ buôn bán quế diễn ra sôi động nhất mang lại nguồn lợi lớn.
Ngôi đền và nhân vật Bà là sự kết hợp hài hoà và khéo léo giữa những yếu tố tín ngưỡng dân gian bản địa với những yếu tố tôn giáo ngoại lai mà ở đây là của người Hoa nhằm bảo trợ về mặt tâm linh và từ đó tạo những điều kiện xã hội tốt nhất, yên bình nhất cho việc buôn bán được phát đạt.
Trong lịch sử hiện đại từ thời chính quyền thực dân Pháp tới thời chế độ Việt Nam Cộng hòa, các cấp chính quyền và đội ngũ quan tướng đều tận dụng tối đa tín ngưỡng thờ Bà để thực thi việc buôn bán quế ở vùng này nhằm kiếm lợi.
Những yếu tố trên cho thấy mục đích kinh tế là trên hết trong việc xây dựng đền Bà và thờ cúng. Thời gian qua đi, dần dần ngôi đền và việc thờ cúng cùng những huyền tích về Bà tạo nên một không gian linh thiêng và tâm lý thành kính với ngôi đền và Bà. Đến nay ngoài việc cầu cúng cho sự làm ăn phát đạt, người ta còn cầu mong sự yên lành của địa phương, gia đình, bản thân, rồi việc cầu Bà chữa cho lành bệnh tật cũng được người ta quan tâm và không ít người về đây dự lễ với mục đích này.
Điểm nổi bật nhất của ngôi đền này là sự thu hút toàn bộ lòng thành kính của tất cả các bộ tộc trong vùng, họ về lễ Bà và đóng góp xây dựng đền một cách hoàn toàn tự nguyện.




Rõ ràng, trên thực tế đây là một trung tâm đoàn kết các dân tộc rất quan trọng dựa trên nền tảng tín ngưỡng dân gian. Phát huy truyền thống đoàn kết dân tộc, các cấp chính quyền, đoàn thể địa phương và các cơ quan chức năng nên bảo tồn thật nguyên vẹn và phát huy tác dụng của ngôi đền và tín ngưỡng thờ Bà nhằm mục đích giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, bản địa.
Điểm quan trọng là điện Trường Bà có sự giao thoa tín ngưỡng giữa dân tộc dân tộc Kinh, dân tộc Kor và dân tộc Chăm. Theo người dân địa phương, hàng năm đến ngày rằm tháng Tư âm lịch, không kể người Kinh là con em Trà Bồng ở nhiều nơi trong nước đổ về thắp hương viếng Bà mà người dân tộc Kor cũng mang quế, mật ong về bày lễ cúng bà trong tiếng chiêng, tiếng cồng ngân vang.
Khi tiến hành điều tra dân tôc học, chúng tôi đã phỏng vấn ông Hồ Văn An, một người dân tộc Kor, ở làng Trà Dòn, xã Trà Thủy (sát cạnh thị trấn Trà Xuân - nơi toạ lạc ngôi đền) được ông cho biết, từ đời ông tổ của ông, đời cha, đời ông nội của ông tổ của ông hàng năm vào Lệ xuân cũng đều mang lễ vật: mật ong, quế, trầu cau - những sản vật từ núi rừng, nơi người Kor sinh sống về dâng lễ Điện Trường Bà. Đến lượt hế hệ của ông và con cháu người Kor bây giờ cũng làm vậy theo ông bà tổ tiên.
4.Công tác trùng tu bảo tồn
Trải qua thời gian, di tích Điện Trường Bà đã bị nhiều hư hỏng. Bắt đầu từ tháng 3 năm 2010, tỉnh Quảng Ngãi đã đầu tư hơn hai tỷ đồng để trùng tu, tôn tạo lại di tích này. Đến nay, di tích Điện Trường Bà đã trang nghiêm, lộng lẫy hơn trước, thoả lòng mong đợi của bao người dân địa phương.
Có dịp về với Trà Bồng là về với không gian văn hóa nhiều sắc tộc, nhưng sắc tộc Kor bản địa, cùng với hương quế Trà Bồng nổi tiếng sẽ là điều rất thú vị ngoài chiêm ngưỡng di tích Điện Trường Bà tương đối đặc biệt.
5.Một vài nhận xét
Sau khi tra cứu di tích và tìm hiểu tư liệu văn hoá dân gian tại địa phương, chúng tôi đã có những nhận xét sau:
- Ngôi điện hay đền này được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ 18 với công sức của toàn bộ nhân dân trong vùng. Tuy nhiên mục đích của việc lập ngôi đền này cũng như sự tôn vinh nhân vật Bà là một vấn đề khoa học hết sức thú vị và quan trọng trong việc nghiên cứu lịch sử văn hoá vùng đất này.
- Điểm đáng lưu ý là đây là một vùng đất đặc biệt của Quảng Ngãi trong lịch sử với nguồn hàng lâm sản quý là quế, từ quế nơi đây trở thành một thị trường quan trọng thu hút nhiều lái buôn người Việt và đặc biệt là người Hoa từ miền duyên hải với trung tâm buôn bán sầm uất là Hội An, Thu Xà. Một nguồn lợi lớn như vậy lại nằm sâu trong vùng đồng bào dân tộc miền núi (Kor, H're, Ca - dong, Chăm...) kiểm soát với nhiều tục lệ bảo vệ lãnh thổ khá xa lạ và khắc nghiệt, làm sao có thể xâm nhập để tiến hành những hoạt động buôn bán nhằm thu được nguồn lợi kinh tế to lớn là một thách thức lớn cho các thương gia Việt và Hoa lúc đó. Với đặc thù tập quán của đồng bào các dân tộc trên miền núi Trà Bồng, có lẽ cách tốt nhất để thu phục lòng dân và cuốn họ vào dòng chảy buôn bán có lợi cho mình, những thương gia Việt và đặc biệt là Hoa đã dùng một biện pháp hiệu quả nhất đó chính là vấn đề tín ngưỡng.
- Một cách làm tốt nhất lúc đó là kết hợp những tín ngưỡng dân gian của mọi sắc tộc có mặt trên vùng đất này như H're, Kor, Ca - dong, Chăm, Việt đều có một yếu tố văn hoá chung là thờ Mẫu, hay Bà, Thiên Y A Na (Mẹ Xứ sở), những người có chung nguồn lợi từ việc buôn bán quế, trầm và các lâm thổ sản khác đã tạo nên một hình tượng siêu nhiên có uy quyền rất lớn về mặt tâm linh có thể cai quản, bảo vệ cho cuộc sống của cư dân trong vùng mà thực chất là tạo mọi điều kiện cho việc buôn bán được trôi chảy, thuận lợi.
- Cũng là vấn đề tâm linh, người Hoa, một nhân tố rất quan trọng trong việc buôn bán tại vùng này đã rất biết tận dụng những yếu tố tín ngưỡng của các dân tộc bản địa, kết hợp với tín ngưỡng của mình, đồng thời sử dụng một cách hiệu quả nguồn tài chính khá dồi dào của mình tạo lập nên một công trình kiến trúc thờ cúng trên nền tảng của một công trình nào đó đã có sẵn trước đó cả về ý thức lẫn thực tế. Họ đã kết hợp rất giỏi và khéo léo tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt, thờ Thiên Yana của người Chăm và Mẹ của các dân tộc Kor, H're. Đặc biệt là tín ngưỡng thờ Thiên Y A Na của người Chăm, một bộ phận cư dân rất quan trọng trong việc quản lý và buôn bán các nguồn hàng ở vùng đất này trong lịch sử với việc thờ cúng truyền thống của mình (người Hoa) tạo dựng nên một ngôi đền linh thiêng với trung tâm là một nhân vật mang tính Nữ phù hợp với nền văn hoá bản địa, song những yếu tố Nam, rất Hoa lại nổi trội ở các nhân vật cụ thể và vị trí của các nhân vật ấy trong ngôi đền như thờ Vua, Quan Công, Triệu Tử Long, Trương Phi... Ngoài ra những quy định ngặt nghèo về việc đàn bà con gái khi có việc đi qua đền phải cúi đầu, không được xoã tóc, những ngày lệ phụ nữ không được vào chính điện... rõ ràng là tâm lý trọng nam khinh nữ của người Hoa. Điều đặc biệt quan trọng là bức tượng Bà trong đền hoàn toàn là một bức tượng của một nhân vật nữ với trang phục, nét mặt và các yếu tố tạo hình kiểu phương Bắc.