
Cũng như nhiều năm gần đây, đúng ngày mùng 10 tháng Giêng, tại huyện Quỳnh Nhai đã diễn ra Lễ hội đua thuyền truyền thống. Đây là một hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng độc đáo và ý nghĩa trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Trung tâm huyện Quỳnh Nhai, ngay từ sáng sớm, náo nức sôi động, dòng người ngày càng đông đổ về Đền thờ Linh Sơn Thủy Từ và Đền thờ Nàng Han - Nơi diễn ra Lễ dâng hương trước giờ khai Hội. Đền Linh Sơn Thủy Từ và Đền thờ Nàng Han vốn là hai ngôi đền độc lập, có nguồn gốc từ khoảng thế kỷ XIV. Từ năm 2003, theo chủ trương của Nhà nước về việc thực hiện Dự án xây dựng nhà máy thủy điện Sơn La, bà con các dân tộc huyện Quỳnh Nhai đã thực hiện công cuộc di dân tái định cư đến nơi ở mới. Thể theo nguyện vọng của bà con nhân dân, huyện Quỳnh Nhai đã phục dựng di tích Đền thờ Linh Sơn Thủy Từ và Đền thờ Nàng Han thành một khu di tích mới, tọa lạc trên khu vực đồi Pú Nghịu, thuộc xã Mường Giàng. Từ nơi đây bao quát cả một vùng phong cảnh thơ mộng hữu tình với mênh mông sông nước, cùng cây cầu Pá Uôn vươn mình nối nhịp đôi bờ.
Trước giờ khai Hội đua thuyền, đại diện lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo huyện cùng bà con nhân dân tiến hành Lễ dâng hương để cầu mong một năm mới tốt đẹp, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc và tưởng nhớ công lao của các vị anh hùng dân tộc đã có công trong sự nghiệp xây dựng và gìn giữ quê hương, bản mường. Trong đó, một nghi lễ không thể thiếu đó là Lễ dâng hương tưởng nhớ Nàng Han, vị nữ tướng tài giỏi. Sau hồi trống báo hiệu buổi Lễ bắt đầu, đồng chí Phạm Văn Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, cùng lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh và huyện Quỳnh Nhai, đông đảo nhân dân trong huyện đã thắp nén hương trầm, cầu mong Nàng Han linh thiêng phù hộ cho nhân dân có cuộc sống ấm no, an lành
Lễ hội đua thuyền năm nay được tổ chức với quy mô lớn hơn năm trước, ngay bến Pá Uôn, nơi có cây cầu cao nhất Việt Nam, Lễ hội đua thuyền với sự tham gia của 9 đội đua đến từ các xã ven sông Đà thuộc huyện Quỳnh Nhai, gồm: Cà Nàng, Mường Chiên, Pá Ma - Pha Khinh, Chiềng Ơn, Chiềng Bằng, Mường Giàng, Mường Sại, Chiềng Khay và Mường Giôn. Năm nay, còn có sự góp mặt của các đội đua đến từ huyện Mai Sơn, Phù Yên và huyện Sìn Hồ (Lai Châu) với hơn 400 vận động viên tham gia.
Điểm mới của Lễ hội đua thuyền năm nay là trước khi diễn ra cuộc tranh tài, Ban tổ chức Lễ hội và các đại biểu đã thực hiện nghi thức thả hoa xuống dòng sông để tỏ lòng ghi nhớ, tri ân với những người đã hy sinh vì dòng điện của Tổ quốc. Sau tiếng trống khai Hội vang lên, các thuyền đua vào vị trí sẵn sàng trước sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả. Thuyền đua của đồng bào dân tộc Thái tại Lễ hội là thuyền độc mộc hình đuôi én được làm bằng thân một cây gỗ to trông thật vững trãi và khỏe khoắn. Mở đầu là nội dung đội đua 20 vận động viên nam với cự ly 1.600m, sau tiếng hô hiệu lệnh vang lên những chiếc thuyền đuôi én lướt sóng lao vun vút về phía trước trong tiếng trống, chiêng thúc giục liên hồi, tiếng reo hò cổ vũ của hàng chục nghìn người làm vang vọng cả núi rừng