
Lễ hội đua thuyền truyền thống xã Tịnh Long được tổ chức 2 năm/lần, vào những ngày đầu xuân và đã tồn tại hàng trăm năm nay. Đây là một trong những nét đẹp văn hóa độc đáo mang tính đặc trưng riêng của cư dân sống ở vùng hạ lưu sông Trà Khúc.
Lễ hội đua thuyền truyền thống xã Tịnh Long (TP.Quảng Ngãi). |
Đây không chỉ là một trò chơi thể thao đơn thuần, mà còn là một hoạt động văn hóa tín ngưỡng mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc nhằm cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, ruộng vườn tốt tươi, người người, nhà nhà được yên vui, ấm no hạnh phúc. Qua lễ hội này, kêu gọi tinh thần đoàn kết, khơi dậy phong trào tập luyện thể dục thể thao.
Xã Tịnh Long xưa là làng Sung Tích, nằm ở tả ngạn hạ lưu sông Trà Khúc, cách thành phố Quảng Ngãi khoảng 6km về hướng đông bắc. Phía đông và đông bắc giáp xã Tịnh Khê, phía tây bắc giáp xã Tịnh Thiện, phía tây giáp xã Tịnh Châu, phía tây nam giáp xã Tịnh An, phía nam là hạ lưu sông Trà Khúc. Xã Tịnh Long có diện tích tự nhiên hơn 8km2, dân số khoảng 10.000 người, chia làm 4 thôn: Gia Hòa, Tăng Long, An Lộc và An Đạo.
Xã Tịnh Long được hình thành từ rất sớm, theo một số tài liệu ghi chép thì làng Sung Tích xưa được hình thành từ cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII, cư dân Tịnh Long sinh sống chủ yếu bằng nông nghiệp, trong đó có một bộ phận đánh bắt chài lưới trên sông. Trong quá trình hình thành làng xã, người dân Tịnh Long đã sáng tạo, gìn giữ nhiều giá trị văn hóa tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước để phục vụ đời sống văn hóa tín ngưỡng cho nhân dân của làng như: tín ngưỡng thờ thành hoàng làng, thờ tiền hiền mở đất… trong đó nổi bật nhất là sinh hoạt lễ hội đua thuyền truyền thống hằng năm của nhân dân trong xã, tạo nét văn hóa truyền thống mang đậm yếu tố văn hóa sông nước, tiêu biểu của xã Tịnh Long nói riêng và Quảng Ngãi nói chung.
Theo các cụ cao niên trong làng thì Lễ hội đua thuyền Tịnh Long có từ xa xưa, gắn liền với quá trình hình thành làng xã và tụ cư sinh sống lâu đời của người Việt trên vùng đất Quảng Ngãi. Do vị trí địa lý nằm ở hạ lưu sông Trà Khúc, dọc phía nam của xã giáp với dòng sông Trà nên người dân Tịnh Long vừa sản xuất nông nghiệp vừa làm nghề đánh bắt chài lưới trên sông,nên từ bao đời người dân đã quen với nghề sông nước. Với địa lý tự nhiên là nằm ở hạ lưu sông Trà Khúc, lòng sông khá rộng, là môi trường thuận lợi để tổ chức lễ hội đua thuyền, một hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp, vừa tri ân thần linh, tưởng nhớ các bậc tiền hiền lập làng, vừa phục vụ nhu cầu đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân, nên Lễ hội đua thuyền xã Tịnh Long được hình thành từ xa xưa và duy trì đến ngày nay.
Xã Tịnh Long có 4 thôn: Gia Hòa, Tăng Long, An Lộc và An Đạo, mỗi thôn có có mỗi thuyền đua được nhân dân thờ tại miếu thờ của thôn. Thuyền đua có dáng thon dài chừng 12m, thuyền được trang trí theo hình các con vật trong tứ linh (Long, Lân, Quy, Phụng). Cụ thể thôn Gia Hoà và Tăng Long thuyền được trang trí hình Rồng; thôn An Lộc và An Đạo trang trí hình Phụng. Thuyền đua được nhân dân gìn giữ và thờ cúng thiêng liêng tại các dinh miếu của thôn, đến khi tổ chức lễ hội mới làm lễ hạ thủy tại dinh miếu của thôn để xin phép thần linh đưa thuyền ra bến nước luyện tập và tham gia cuộc đua của xã. Lễ hạ thủy do ban tế tự của thôn tổ chức, có cờ, trống rộn ràng và đông đảo nhân dân tham gia, tạo nên không khí lễ hội sôi nổi.
Lễ hội đua thuyền truyền thống xã Tịnh Long diễn ra vào các ngày mùng 5 và mùng 6 tháng Giêng hằng năm, thu hút hàng chục nghìn người trong xã và các xã lân cận đến xem và cổ vũ, tạo nên không khí sôi động và không gian lễ hội trên bến dưới thuyền náo nhiệt. Tuy nhiên để chuẩn bị cho lễ hội, nhân dân các thôn đều chuẩn bị tuyển chọn các tay đua trong thôn, xóm và tổ chức luyện tập hàng ngày từ những ngày giữa tháng Chạp, tạo nên không khí đón tết Nguyên đán của nhân dân trong xã hết sức náo nhiệt. Mỗi thuyền đua có 15 tay đua, trong đó có tổng lái, tổng mũi, mặc đồ đồng phục, đầu chít khăn đỏ, vàng. Đây là những thanh niên trai tráng, có sức khỏe, kinh nghiệm được tuyển chọn khá kỹ qua những ngày luyện tập để cốt sao giành giải cao trong các ngày đua chính thức. Việc thắng thua trong lễ hội đua thuyền có ý nghĩa quan trọng đối với từng thôn, nên họ chuẩn bị hết sức chu đáo từ việc đóng mới thuyền đua, lựa chọn các tay đua có sức khỏe dẻo dai và luyện tập hằng ngày… nhằm mục tiêu giành thắng lợi trong các ngày đua
Lễ hội đua thuyền xã Tịnh Long diễn ra trong không gian rộng, trên đọan sông rộng hàng chục nghìn mét vuông, tại đây ban tổ chức lễ hội cho cắm các cọc tiêu, khoảng cách giữa 02 cọc tiêu dài chừng 500m, rộng 30m, ở giữa là hàng tiêu rốn. Sau khi bốc thăm các thuyền đua về vị trí hoa tiêu và khi có trống lệnh thì bắt đầu cuộc đua. Mỗi ngày đua có 2 hiệp đua, mỗi hiệp đua mỗi đội thuyền đua 3 vòng đôi sau đó thay đổi vị trí hoa tiêu, kết thúc cuộc đua trong ngày ban tổ chức sẽ tính điểm cho từng đội đua. Cuộc đua cứ như thế diễn ra trong 02 ngày. Kết thúc Lễ hội, Ban tổ chức trao giải thưởng cho các đội đạt giải nhất, nhì, ba, tư.
Sau khi cuộc đua kết thúc, nhân dân các thôn làm lễ đưa thuyền về nơi thờ tự của từng thôn làm lễ tế thần để tạ ơn thần linh đã phò trợ cho thuyền của thôn giành được thắng lợi trong lễ hội và cầu mong thần linh phò trợ cho xóm làng được bình an, tạo nên không khí sinh hoạt tín ngưỡng truyền thống và gắn kết cộng đồng bền chặt.
Lễ hội đua thuyền Tịnh Long là một trong những lễ hội đua thuyền truyền thống tiêu biểu của tỉnh Quảng Ngãi được hình thành từ xa xưa, gắn liền với quá trình khai phá và định cư của người Việt tại xã Tịnh Long nói riêng và tỉnh Quảng Ngãi nói chung nên có giá trị về lịch sử. Thông qua việc tổ chức lễ hội cho ta nhận thấy những yếu tố lịch sử hình thành làng xã như: truyền thuyết về vị thành hoàng làng, người có công lập làng và tổ chức lễ hội, về tín ngưỡng thờ nữ thần của cư dân trong xã, về các vị tiền hiền … Lễ hội đua thuyền truyền thống xã Tịnh Long mang đậm yếu tố tín ngưỡng truyền thống của cư dân nông nghiệp, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng sinh sôi phát triển, dân cư an lạc. Đây là giá trị văn hóa tín ngưỡng phổ biến của cư dân nông nghiệp ở các nước Đông Nam á và Việt Nam. Ngoài ra, lễ hội đua thuyền truyền thống xã Tịnh Long còn nhằm tri ân các vị thần bảo trợ của xóm làng, đặc biệt là các vị tiền hiền có công khai phá, xây dựng làng xã. Thông qua các nghi lễ cho thấy những giá trị tín ngưỡng truyền thống làng xã được bảo tồn, gìn giữ và phát huy trong đời sống xã hội hiện nay.
Lễ hội đua thuyền truyền thống xã Tịnh Long diễn ra trong dịp đầu năm mới nên thu hút rất đông nhân dân trong tỉnh đến xem và cổ vũ, tạo nên không khí sôi nổi, vui tươi cho nhân dân trong tỉnh nhân dịp tết cổ truyền. Lễ hội đua thuyền diễn ra trong 2 ngày và trong không gian sông nước hữu tình, gắn với ngôi chùa Minh Đức và khu văn hóa Thiên Mã, cầu Cỗ Lũy và cả không gian sông nước Tịnh Long sẽ là tiềm năng di sản văn hóa để phát triển du lịch của xã Tịnh Long và Thành phố Quảng Ngãi.
Để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu và mang đậm bản sắc cần được bảo tồn và phát huy trong đời sống cộng đồng, qua đó góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa lễ hội truyền thống của Quảng Ngãi, góp phần xây dựng đời sống văn hóa và phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong công cuộc xây dựng và phát triển quê hương Tịnh Long nói riêng và Quảng Ngãi nói chung ngày càng giàu đẹp. Ngày 21/02/2024 Bộ văn hóa, thể thao và du lịch đã ban hành Quyết định số: 378/QĐ-BVHTTDL về việc công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Lễ hội truyền thống: Lễ hội đua thuyền xã Tịnh Long, Thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi. Qua đó yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp nơi có di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện việc quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa../.