
Nói đến Tây Nguyên là nói đến một vùng đất có nhiều những huyền thoại cùng với những nét văn hóa đặc sắc của người dân nơi đây. Tây Nguyên vốn nổi tiếng với nhiều Lễ hội nổi tiếng như : Lễ hội Cồng Chiêng, Lễ hội cúng cơm mới, Lễ hội cúng bến nước, …
Lễ hội đua Voi diễn ra nhằm tôn vinh tinh thần thượng võ và tài nghệ thuần dưỡng voi của đồng bào Tây Nguyên. Ngoài ra, đến đây du khách cũng được thưởng thức ẩm thực độc đáo, đậm đà bản sắc của các dân tộc bản địa và được cưỡi voi thăm buôn làng, lội sông Sêrêpốk sang thăm rừng Yok Đôn.
Để được tham gia thi đấu ở Lễ hội đua Voi, những chú voi tham gia phải là những chú voi khỏe mạnh và thông minh.
Mỗi mùa lễ hội diễn ra chỉ có khoảng 20 – 30 chú voi được tham gia thi đấu, vì vậy công tác chuẩn bị, chăm sóc của những người huấn luyện voi được diễn ra rất cẩn thận và mất nhiều thời gian để người bạn của mình đủ tiêu chuẩn tham gia thi đấu.
Những chú voi tham gia thi đấu sẽ được chăm sóc một cách chu đáo và cẩn thận nhất như được nghỉ ngơi, tắm rửa, cho ăn những loại cỏ tươi xanh hoặc là mía ngọt, cùng với việc huấn luyện thêm một số bài thuần dưỡng để tham gia các hoạt động trong lễ hội.
Đến ngày thi đấu, những chú voi sẽ được già làng thực hiện lễ cúng sức khoẻ với lễ vật bao gồm: ba chén rượu cần, một con heo và một bầu nước. Già làng sẽ làm lễ khấn như đặt cơm thịt lên đầu, tưới rượu và máu để cầu phúc và cúng sức khoẻ cho voi.
Sau khi nghi lễ được thực hiện xong thì tất cả mọi người trong lễ hội sẽ cùng nhau ca hát, nhảy múa trong những nhịp cồng chiêng rộn ràng, sôi động như để báo hiệu Lễ hội đua voi đã chính thức bắt đầu.
Địa điểm được chọn làm nơi tổ chức lễ hội đua voi phải là một bãi đất trống có chiều dài từ 400 – 500m, chiều rộng phải để cho ít nhất 5- 10 con voi có thể xếp hàng ngang.
Trên lưng mỗi chú voi sẽ có 2 người quản tượng, mặc đồ truyền thống của dân tộc làm nhiệm vụ điều khiển voi tham gia các hoạt động của lễ hội. Quản tượng điều khiển các chú voi theo lệnh của nài voi để chúng xếp nối nhau thành hàng và quỳ phục trước vạch xuất phát như là một động tác cúi chào ban giám khảo và khán giả trước khi bắt đầu thi đấu.
Sau khi hiệu lệnh ngân lên, người điều khiến phải thúc voi tiến lên phía trước đồng thời tăng tốc thật nhanh để về đích sớm.
Tiếng voi chạy đua hoà cùng tiếng hò reo cổ vũ náo động của khán giả tạo nên một không khí hân hoan cả một vùng trời.
Không chỉ thể hiện sức bền của mình, những chú voi còn phải thể hiện sự linh hoạt khi đi trên con đường dốc ngoằn ngoèo hoặc bơi qua những dòng sông lớn. Những quản tượng điều khiển voi phải thể hiện được tài năng huấn luyện thuần thục của mình khi hướng dẫn voi chạy đua về vạch đích. Muốn voi hiểu được ý của người quản tượng để nghe theo hiệu lệnh là một quá trình dài và khó khăn.
Chú voi khoẻ mạnh nhất dành được chức vô địch sẽ được trao vòng nguyệt quế cùng người quản tượng và được thưởng thêm rất nhiều món ăn ngon khác dành riêng cho voi.
Thời gian diễn ra Lễ hội
Lễ hội đua voi của Tây Nguyên thường diễn ra 2 năm 1 lần vào tháng 3 âm lịch tại huyện Buôn Đôn. Đây là thời điểm trước khi vào mùa vụ mới lại là lúc đất rừng ở Tây Nguyên vẫn còn khô ráo, trăm hoa khoe sắc thắm, trời trong nắng dịu, vô cùng thích hợp để vui chơi tại các lễ hội.