
Lễ hội gội đầu của người Thái trắng Quỳnh Nhai diễn ra vào ngày 30 Tết hằng năm, là phong tục cổ truyền gắn với truyền thuyết về Nàng Han, vị nữ tướng tài ba, dũng cảm dân tộc Thái, có công đánh đuổi giặc xâm lăng, giữ yên bờ cõi.
Theo quan niệm của người Thái, lễ gội đầu là để rửa trôi đi những điều không may mắn như bệnh tật, ốm đau, hoạn nạn của năm cũ, cầu cho năm mới con người có sức khỏe, gặp điều hay. Lễ hội này là của đồng bào Thái trắng sinh sống ven thượng nguồn sông Đà thuộc các tỉnh Tây bắc.
Lễ hội gội đầu là lễ hội của đồng bào vùng Thái trắng ở huyện Quỳnh Nhai, Phù Yên, thuộc địa phận huyện Mường La. Người Thái gọi những búi tóc cao trên đỉnh đầu là "tăng cẩu", đó là dấu hiệu để chứng nhận rằng cô gái người Thái đó đã có gia đình. Từ khi kết hôn thì búi tóc đó rất ít khi bị xõa ra nhờ bí quyết vấn tóc kỳ diệu của người Thái. Bên cạnh chiếc khăn Piêu, điệu xòe, thì mái tóc cũng trở thành một rét riêng độc đáo của người phụ nữ Thái.
Lễ gội đầu của người Thái trắng thường diễn ra như sau: Một thầy no hoặc ông trưởng họ sẽ mời bà con trong bản xuống bến nước để chuẩn bị gội đầu đón chào năm mới. Sau đó, các nam thanh nữ tú sẽ khiêng trống, chiêng đi ra nơi dòng suối, vừa đi vừa khua rộn rã, thúc giục mọi người đi theo sau. Chậu nước gội đầu được bà con người Thái đun sôi để pha với nước gồm vỏ cây xo xe, bồ kết, hoa đào, cánh hoa rừng và hoa mận.
Lễ hội này cần được phục dựng để đáp ứng đời sống tinh thần của người dân, đồng thời bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của các dân tộc. Lễ hội còn là nơi quảng bá những tiềm năng, văn hóa, du lịch, thể thao và con người Quỳnh Nhai. Lễ hội này còn mang tính nhân văn sâu sắc là thể hiện lòng yêu hòa bình, sống hòa hợp với thiên nhiên, có sức khỏe tốt.
Nghi lễ Gội đầu của người Thái trắng ở Quỳnh Nhai chứa đựng lịch sử hình thành làng bản, môi trường sống, lịch sử của từng thời kỳ trong quá trình hình thành và phát triển miền đất nằm dọc theo tả ngạn sông Đà, về tình yêu quê hương và sự gắn kết cộng đồng. Nghi lễ thể hiện giá trị tín ngưỡng phồn thực cổ xưa, giao hòa âm dương, những giá trị diễn xướng khác nhau như múa, nhạc, hát... hòa cùng với nhau, đáp ứng nhu cầu mong người yên, vật thịnh, vạn vật sinh sôi, phát triển; thể hiện văn hóa ứng xử giữa con người với con người, con người với thiên nhiên, con người với thế giới thần linh. Nghi lễ Gội đầu còn hàm chứa tri thức dân gian, giá trị tư duy, giá trị khoa học, ngôn ngữ học, ngôn ngữ âm nhạc, ngôn ngữ biểu cảm ứng xử trong cuộc sống; giá trị về du lịch, phát triển kinh tế, là nơi thu hút khách du lịch đến tìm hiểu về văn hóa truyền thống của đồng bào Thái trắng nơi đây.