
Nghệ thuật "Hạn khuống", về bản chất là hình thức sinh hoạt tập thể, diễn xướng sân khấu sơ khai mang tính đại chúng của đồng bào Thái từ xa xưa (chủ yếu là Thái đen), nhằm thỏa mãn nhu cầu giao lưu văn hóa - văn nghệ giữa các làng bản và giữa các thành viên tham dự cuộc chơi.
Trong tiếng Thái, "Hạn khuống" được hiểu là: "Hạn" là sàn, "khuống" là sân, đất trong bản. Như vậy, "Hạn khuống" có nghĩa là sàn sân, tức là một cái sàn được dựng ở ngoài sân (sân khấu, sàn diễn, văn nghệ dân gian cộng đồng).
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học về sự thiên di của các ngành Thái ở Tây Bắc Việt Nam, đặc biệt, qua hai cuốn sử thi của người Thái đen: “Quam tố mương” và “Táy pú sấc” thì Mường Lò là vùng đất “quê cha đất tổ” của người Thái đen ở Tây Bắc Việt Nam. Vào khoảng thế kỷ XI - XII, ngành Thái đen do Tạo Xuông, Tạo Ngần, thuộc dòng dõi tạo đất Tung Hoàng ngày xưa (miền “sông Thao nước đỏ”) dẫn dắt đoàn quân chinh chiến và các họ của người Thái ra đi từ Mường Ôm, Mường Ai ở miền thượng sông Hồng đến Mường Lò cư trú.
Khi đặt chân đến Mường Lò, đoàn người cùng nhau khai phá ruộng đất, lập bản, lập mường, làm ruộng, làm nương và sống quần tụ trong các bản làng ở vùng lòng chảo, ven các sông suối. Trong cuộc mưu sinh để tồn tại và phát triển ấy, đồng bào luôn cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, chinh phục thiên nhiên, đấu tranh chống lại thú dữ. Trong các vụ mùa, người ta chăm chỉ làm ruộng, làm nương ở những cánh rừng, con suối cách xa nhau nên không có điều kiện gặp gỡ, trao đổi, tâm sự, tìm hiểu. Mỗi năm, sau những vụ mùa, giữa tiết trời thu đông, đồng bào Thái lại cùng nhau dựng lên những sàn "Hạn khuống" làm sân chơi chung, làm nơi trao đổi những kinh nghiệm làm ăn, kinh nghiệm trong cuộc sống hàng ngày và cũng là nơi các chàng trai, cô gái công khai tìm hiểu nhau thông qua việc thử tài văn chương, ứng đối, kinh nghiệm canh tác, làm ăn, sự khéo tay để rồi kết tóc se duyên, xây dựng gia đình hạnh phúc.
Như thế, có thể thấy, cùng với sự phát triển của xã hội, nghệ thuật "Hạn khuống" của tộc người Thái được ra đời để đáp ứng nhu cầu về đời sống tinh thần cho mọi người trong làng bản. Đây có thể coi là nhu cầu tất yếu của cả cộng đồng, của con người, của vạn vật, của sự gắn kết, sinh sôi, nảy nở. Nghệ thuật "Hạn khuống" được coi là linh hồn của bản mường, tượng trưng cho sự phồn vinh, no ấm.
Sàn sân trong nghệ thuật "Hạn khuống" cũng như ngôi nhà của đồng bào vậy, nó thể hiện đặc điểm cư trú của cộng đồng. Bởi thế, chắc chắn rằng, nghệ thuật này đã ra đời và tồn tại từ rất lâu trong đời sống của tộc người, nó gắn liền với lịch sử cư trú, bản sắc văn hóa, truyền thống đấu tranh của cộng đồng.
Nghệ thuật "Hạn khuống" là một hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian tập thể của đồng bào Thái, là nơi để cộng đồng giao lưu, tâm sự, chia sẻ, là sân chơi cho nam thanh, nữ tú tìm hiểu, kết duyên. Cứ thế, loại hình nghệ thuật này được tổ chức hàng năm và lưu truyền từ đời này qua đời khác. Đến nay, chưa tìm thấy tài liệu nào ghi chép về sự ra đời và thời gian tồn tại của nghệ thuật "Hạn khuống", chỉ biết rằng, loại hình này được hình thành và phát triển cùng với quá trình lịch sử hình thành bản sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng người Thái. Nó gắn liền với cuộc sống, sinh hoạt; thể hiện đời sống vật chất và tinh thần của người Thái. Riêng trên vùng đất Nghĩa Lộ - Mường Lò, có thể nói, nghệ thuật "Hạn khuống" ra đời và tồn tại cùng với lịch sử khai phá, cư trú của cộng đồng nơi đây (thế kỷ XI - XII).
Qua tìm hiểu, chúng ta nhận thấy, những nơi có người Thái sinh sống đều tồn tại nghệ thuật "Hạn khuống" nhưng đã mai một; hình thức tổ chức cũng như nội dung các lời hát chỉ còn lại trong tâm trí của các bậc cao niên. Ở một số nơi cũng đã khôi phục, bảo tồn được loại hình nghệ thuật này nhưng không phải là nhiều.
Nghiên cứu gần đây cho thấy sự khác biệt cơ bản giữa nghệ thuật "Hạn khuống" trước kia và nghệ thuật "Hạn khuống" ngày nay là ở thời gian và hệ thống các bài hát, các trò chơi cũng như không gian tâm tình, trao đổi kinh nghiệm trong cuộc sống, làm ăn giữa các thành viên trong cộng đồng, không chia già trẻ, lớn bé, nam hay nữ được thể hiện trong ngày hội.
Trước kia, nghệ thuật "Hạn khuống" được tổ chức vào cuối mùa thu, đầu mùa đông hoặc đầu xuân năm mới, một đến hai năm một lần, theo mùa vụ nông nghiệp của đồng bào. Vào những ngày nông nhàn, khi kết thúc mỗi vụ mùa, các chị rủ nhau vào rừng kiếm củi, hái nấm, bẻ măng cũng là lúc các anh lên rừng đẵn gỗ, chặt cây, bàn bạc nhau thống nhất làm sàn "Hạn khuống" ở giữa bản để tối tối gặp nhau, học hỏi kinh nghiệm làm ăn, giao lưu, tâm sự, tìm hiểu rồi kết duyên. Nghệ thuật "Hạn khuống" của thời kỳ này được tổ chức theo cộng đồng bản, những bản mà đời sống nhân dân ổn định thì cứ đến đầu mùa khô hàng năm (sau khi thu hoạch vụ mùa xong) là dựng sàn để chơi "Hạn khuống" cho đến hết mùa khô, khi bắt đầu vào mùa phát nương, làm ruộng mới mới thôi. Như vậy, thời gian diễn ra "Hạn khuống" đúng theo truyền thống là trong suốt mùa khô, từ ngày này qua ngày khác, từ đêm này qua đêm khác. Ban ngày là các trò chơi dân gian, khi màn đêm buông xuống là lúc các đôi trai tài, gái sắc thể hiện tình cảm qua những lời đối đáp thâu đêm. Cứ như thế, trai gái mới có điều kiện tìm hiểu kỹ lưỡng để đi đến hôn nhân, xây dựng mái ấm hạnh phúc bền lâu.
Theo trí nhớ của các cụ cao niên, phần lễ của "Hạn khuống" xưa khá mờ nhạt, chủ yếu là để khánh thành sàn mới, nó gần như lễ lên nhà mới nhưng đơn giản hơn. Phần lớn thời gian là của nội dung hội. Mở đầu cho phần hội của sân chơi "Hạn khuống", mọi người dân trong bản - già trẻ, trai gái, có gia đình hay chưa, nếu muốn đều có thể lên sàn vui chơi, trò chuyện, trao đổi kinh nghiệm làm ăn, hỏi thăm sức khỏe, gia đình, họ hàng,… Thường thì, những ai đã quen biết đều được tự do lên sàn tham gia, những người lạ phải qua thử thách. Các cụ già, người lớn tuổi đến "Hạn khuống" để góp vui, dạy dỗ, chỉ bảo con cháu lời nói đẹp, câu hát hay. Trẻ em đến "Hạn khuống" vừa chung vui, vừa học ăn, học nói, học hát, học quay xa, kéo sợi, học đan chài, đan lưới... Hết hát lại nói đối đáp, hết đối đáp lại cười vui, chơi đùa. Cứ thế, câu chuyện "Hạn khuống" tưởng như không bao giờ kết thúc. Từ chuyện của bản, của mường đến chuyện riêng của mỗi gia đình, mỗi thành viên; từ chuyện yêu đương lứa đôi, đến chuyện đi nương, đi rẫy... đều trở thành những đề tài trao đổi, bàn bạc ở "Hạn khuống". Như thế, các đêm "Hạn khuống" đã mang lại thời gian và không gian cho việc nghỉ ngơi, thư giãn, mang lại không khí ca hát lành mạnh, làm nhộn nhịp, ấm áp cả bản cả mường.
Đến khi trời đã về khuya, người già, trẻ em về nghỉ hết, chỉ còn nam nữ thanh niên trong làng, ngoài bản hát đối đáp tìm hiểu, làm quen, trao đổi tâm tình, tìm bạn, tìm người yêu. Càng về khuya, "Hạn khuống" càng đi vào chiều sâu của tâm lý, ý tứ, các cô gái quây quần bên bếp lửa trò chuyện, đối đáp với các chàng trai. Nhiều đôi trai gái tâm đầu ý hợp, từ sinh hoạt "Hạn khuống" đã thành vợ, thành chồng ăn đời, ở kiếp hạnh phúc với nhau. "Hạn khuống" là cuộc vui của cả tập thể cộng đồng, giúp con người có một tinh thần thoải mái, tự tin bắt tay vào những công việc đồng áng, chăn nuôi và phấn đấu hoàn thành những việc mà họ chưa đạt được trong cuộc sống.
Trong thời gian bị thực dân Pháp chiếm đóng, "Hạn khuống" hầu như không được diễn ra tập trung, nhưng vẫn diễn ra nhỏ lẻ trên các nhà sàn của người Thái, góp phần gìn giữ nghệ thuật "Hạn khuống". Sau nhiều năm vắng bóng, đến năm 2002, thị xã Nghĩa Lộ bắt đầu khôi phục lại loại hình nghệ thuật này, có ghi hình để bảo tồn, tại bản Pá Kết, phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ.
Từ năm 2010, thị xã Nghĩa Lộ đã tiến hành khôi phục và tổ chức hàng năm vào dịp đầu xuân (thường gắn với lễ hội rằm tháng Giêng), phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa của cộng đồng. Ngoài ra, trong thời gian diễn ra những sự kiện du lịch của địa phương, nghệ thuật "Hạn khuống" vẫn được trình diễn trong khoảng thời gian ngắn, chủ yếu phục vụ nhu cầu tham quan của du khách. Trong khoảng thời gian từ năm 2002 đến trước năm 2015, nghệ thuật "Hạn khuống" diễn ra không có phần lễ mà chỉ có phần hội.
Hiện chưa tìm thấy tài liệu nào viết về nghệ thuật "Hạn khuống" ở Mường Lò. Năm 2015, thị xã Nghĩa Lộ đã thực hiện đề tài khoa học cấp tỉnh: "Nghiên cứu, bảo tồn hội Hạn khuống của đồng bào dân tộc Thái vùng Mường Lò - Nghĩa Lộ", do cử nhân Lò Thị Huân là chủ nhiệm. Dựa theo kết quả nghiên cứu của đề tài này, nghệ thuật "Hạn khuống" hiện nay được khôi phục lại đầy đủ hơn, nội dung phong phú hơn. Những nội dung thu thập được của đề tài chỉ dựa vào trí nhớ của các cụ cao niên, am hiểu về các giá trị văn hóa truyền thống đã từng tham gia hội trong vùng để phục dựng lại. Hiện nay, nghệ thuật này không diễn ra tự nhiên như trước kia mà được lồng ghép với các lễ hội khác, theo hình thức sân khấu hóa, thời gian và cách thức thể hiện rút ngắn hơn, phạm vi và thành phần tham dự hẹp hơn. "Hạn khuống" bây giờ chủ yếu là nơi sinh hoạt của nam nữ thanh niên hát đối đáp, giao duyên, trao đổi tình cảm.