
Lễ hội hoa Anh đào - Mai vàng Yên Tử 2019 diễn ra trong 9 ngày (từ ngày 9-17.3) với chủ đề “Hợp tác và Phát triển - Điểm đến của thành công”. Điểm nhấn của lễ khai mạc là chương trình giao lưu nghệ thuật với sự tham gia của nhiều nghệ sỹ Việt Nam và Nhật Bản biểu diễn với chủ đề “Hoa Anh đào, Mai vàng Yên Tử - Hội tụ sắc hương, lan tỏa nụ cười”. Các tiết mục đặc sắc trong chương trình thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa văn hóa hai đất nước; tôn vinh, phát huy tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt - Nhật. Những ca khúc mới sáng tác, dàn dựng công phu, hấp dẫn. Tiếp đó là phần trình diễn trang phục truyền thống, hiện đại của Việt Nam - Nhật Bản; trình diễn, giới thiệu một số nét văn hóa truyền thống Nhật Bản. Rực rỡ sắc màu và hấp dẫn nhất là không gian trưng bày các loài hoa. Năm nay, số lượng hoa nhiều hơn, 5.000 cành hoa Anh đào (Nhật Bản) và khoảng 200 cây, chậu hoa Mai vàng Yên Tử (Quảng Ninh) trưng bày dưới chân Yên Tử, trong không gian của Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm Yên Tử.
Không gian lễ hội giới thiệu các gian hàng trưng bày và bán các sản phẩm (OCOP) tiêu biểu của tỉnh Quảng Ninh, những gian hàng giới thiệu sản phẩm của Nhật Bản. Mô hình lập thể núi Yên Tử, Phú Sĩ, hòn Trống Mái thiết kế trưng bày tạo điểm nhấn sinh động không gian lễ hội. Lễ hội còn có các chương trình giao lưu văn hóa và trò chơi dân gian của Việt Nam - Nhật Bản; các hoạt động tham quan Yên Tử và một số tuyến, điểm du lịch trên địa bàn TP Uông Bí. Hội nghị hợp tác, đầu tư phát triển về dịch vụ, du lịch, khoa học công nghệ giữa Việt Nam và Nhật Bản (giữa các doanh nghiệp Việt Nam, Nhật Bản) tổ chức tại Legacy Yên Tử… Tham gia Lễ hội hoa Anh đào - Mai vàng Yên Tử, các du khách sẽ được trải nghiệm, khám phá những giá trị văn hoá của TP Uông Bí, những tiềm năng, thế mạnh về kinh tế, du lịch, những nét văn hoá đặc sắc của đất nước Nhật Bản. Lễ hội sẽ tăng cường sự giao lưu, hợp tác, xúc tiến đầu tư, rộng mở…
Cây mai vàng Yên Tử tượng trưng cho tinh thần bền bỉ, vượt lên mọi khó khăn theo truyền thống Thiền môn mà các hoà thượng đã dày công vun xới. Tương truyền, vào khoảng những năm 1285-1288, sau khi vua Trần Nhân Tông dẹp xong giặc phương Bắc, Ngài truyền ngôi vua cho con trai và lên núi Yên Tử tu hành. Tại đây, ông sáng lập ra Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử và phát động các tín đồ Phật tử trồng cây mai vàng. Sau nhiều năm được bàn tay các tín đồ Phật tử chăm sóc và sự ưu ái của thiên nhiên, từ những cây mai nhỏ bé thành các khu rừng mai rộng lớn. Theo mốc thời gian đó, đến nay, các khu rừng này gần 800 năm tuổi. Những Phật tử và du khách đặt tên các khu rừng là “Đại lão mai vàng Yên Tử”. Rừng “Đại lão mai vàng” phân bố tại nhiều điểm ở quanh núi Yên Tử: khu vực chùa Đồng Tử , Thác Vàng, Thác Bạc, chùa Một Mái, chùa Vân Tiêu, chùa Bảo Sái...
Từ xa xưa, con người đã hướng đến cái đẹp tinh túy của trời đất hòa quyện với thiên nhiên. Những cây mai vàng cổ thụ vươn cao, đường kính từ 40 - 50 cm, tỏa mùi hương thơm ngát, thanh khiết, khoe sắc vàng rực trước tiết xuân lạnh nơi núi rừng xanh thẳm. Cây mai vàng Yên Tử tượng trưng cho tinh thần bền bỉ, vượt lên mọi khó khăn theo truyền thống Thiền môn mà các hoà thượng dày công vun xới. Mỗi độ xuân sang, hoa mai nở thắm núi rừng Yên Tử. Từng vạt mai như những đám mây vàng vương trên núi, như áo cà sa của các sơn tăng giăng lên thảm cây rừng. Mai ở lòng thung. Mai bám trên vách núi. Mai nở bên thác Bạc, thác Vàng. Mai rắc vàng lên bậc thềm chùa. Có cây thân dáng thẳng, cành xòe ra như chiếc lọng vàng. Có cây rủ xuống như thác đổ, cành buông suối tóc điểm đầy hoa. Sắc mai vàng bên khóm lá trúc xanh. Mai núp dưới bóng tùng cổ thụ...
Mai vàng Yên Tử sống trong nền khí hậu điều kiện thời tiết á nhiệt đới của miền Bắc nên tạo ra sự khác biệt về mặt hình thái. Hoa nở theo chùm, và một cây có rất nhiều chùm. Đó chính là những vẻ đẹp riêng của mai vàng Yên Tử. Những cây mai vàng cổ thụ mọc trên núi Yên Tử hoa có 5 cánh, lộc màu xanh, cánh hoa có màu vàng tươi rất sáng và có mùi thơm nhẹ đặc trưng rất dễ chịu, kích thước hoa không lớn, đường kính khoảng 2-3cm. Đặc điểm của cây mai vàng Yên Tử là sống lâu năm, sinh trưởng mạnh, lại ít sâu bệnh. Tuổi thọ của các loại mai này có thể sống được hàng trăm năm tuổi. Với những đặc tính vốn có, mai vàng Yên Tử được các giới chuyên gia, các nhà nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước đánh giá là một nguồn gen quý của Việt Nam, gắn với vùng đất tâm linh Yên Tử...
Là một lễ hội hoa, nên đương nhiên mọi sự chú ý, quan tâm của người dân, du khách đều dành cho 2 sắc hoa chính của lễ hội. Với không gian rộng rãi, bề thế của Trung tâm Văn hóa trúc lâm Yên Tử - một công trình phỏng dựng theo kiến trúc đời Trần do những kiến trúc sư nổi tiếng thế giới thiết kế, nằm ngay dưới chân tổ của Thiền phái Trúc Lâm – quê hương của loài Mai vàng Yên Tử, hai loài hoa đã khoe hương sắc đẹp nhất của mình. Hội tụ trong lễ hội là 50 cây và 5.000 cành hoa Anh đào do Công ty CP Tiến bộ quốc tế AIC và TP Uông Bí đưa về từ Nhật Bản, cùng 120 cây Mai vàng đẹp nhất khu vực Uông Bí, Đông Triều.
Để giữ cho hoa nở đẹp nhất vào đúng dịp lễ hội và giữ được sắc tươi, các nghệ nhân về hoa của cả Việt Nam và Nhật Bản đã nỗ lực, áp dụng nhiều kỹ thuật chăm sóc đặc biệt. Không chỉ có Anh đào và Mai vàng, du khách đến với lễ hội năm nay còn được thưởng lãm nhiều không gian hoa rực rỡ sắc màu với muôn sắc hoa tươi, như: Con đường hoa, hàng rào hoa, mô hình hoa lập thể, tranh hoa... Theo đánh giá của nhiều du khách, không gian trưng bày hoa của lễ hội năm nay tuy trải dài trong một không gian rất rộng nhưng vẫn không bị “loãng”. Vì ngoài Anh đào và Mai vàng, các không gian hoa khác của lễ hội hoa năm nay phong phú và đa dạng hơn, hoa cũng tươi đẹp hơn, lại được kết hợp với không gian đậm sắc xanh của núi rừng vùng non thiêng Yên Tử…
Năm nay, Lễ hội hoa Anh đào – Mai vàng Yên Tử được tổ chức vào đúng dịp kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập mối quan hệ hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản, một dịp quý để ôn lại và phát huy những tình cảm tốt đẹp giữa hai nước trong chặng đường gần nửa thế kỷ qua. Tại lễ hội năm nay, tình cảm tốt đẹp trong mối quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản không chỉ được thể hiện qua việc quốc hoa của Nhật Bản về thăm quê hương của Mai vàng Yên Tử, mà còn được thể hiện bằng hàng loạt hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật giữa các đoàn của hai nước. Với chủ đề “Yên Tử - Nơi hội tụ di sản, thắm tình hữu nghị và lan tỏa sắc hương”, các nghệ sĩ của Việt Nam và Nhật Bản đã mang đến lễ hội năm nay một không gian đậm đà màu sắc văn hóa truyền thống của hai đất nước.