Dương Lịch 13/3

Lễ hội Hoa Ban

Lễ hội Bắt đầu ngày 13/3📅 Dương lịch 6 ngày

Lễ hội hoa ban hay còn gọi là lễ hội Xên Mường thường được tổ chức ở Tây Bắc mỗi dịp tháng 2 âm lịch. Đâu cũng là lúc hoa ban nở rộ tạo nên bức tranh vừa có nét hùng vĩ của núi rừng, vừa có sự thơ mộng của sắc trắng tinh khôi. Tại Điện Biên, lễ hội hoa ban là một hoạt động văn hóa không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đồng bào người Thái.

 

1. Sự tích của lễ hội hoa ban Điện Biên

Khi xưa có người con gái tên Ban bản người Thái xinh đẹp nhất xứ “Mường trời” đã đem lòng yêu chàng trai tên Khum nhà nghèo nhưng giỏi săn bắn, lại tốt bụng, chịu khó. Nhưng bố mẹ nàng lại không chấp thuận,  hứa gả Ban cho một tên con trai Tạo mường nhà giàu nhất bản, vừa thọt vừa gù lại hay ăn lười làm. Vào ngày cưới, nàng buộc chiếc khăn piêu ở cầu thang rồi một mình bỏ trốn đi tìm Khum còn đang bẫy thú trong rừng chưa về. Nhưng nàng đi mãi, đi mãi rồi kiệt sức mà chết ngay bên sườn đồi. Nơi nàng chết đã mọc lên loài hoa trắng muốt, thoang thoảng hương thơm. Dân bản tin rằng nàng Ban đã hóa thân vào màu trắng tinh khôi ấy, thể hiện tình yêu thủy chung son sắt với chàng Khum. 

Đồng bào nơi đây chọn ngày 13/3 hằng năm để tổ chức lễ hội hoa ban vì ngày này năm 1954 chính là thời điểm tiếng súng đầu tiên vang lên, khai màn trận chiến Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. 

Chính vì vậy, lễ hội hoa ban không chỉ gắn với sự tích nàng Ban xinh đẹp, thủy chung mà còn gắn với chiến thắng lịch sử của dân tộc. 

2. Ý nghĩa các hoạt động trong lễ hội 

Lễ hội hoa ban đã được đồng bào người Thái tổ chức từ xa xưa, là dịp để người dân dâng lễ với tổ tiên, các vị thần núi thần sông và là dịp để cầu cho bản mường no ấm, mùa màng bội thu… Còn lễ hội hoa ban Điện Biên được tổ chức một cách quy mô và bài bản lần đầu tiên vào năm 2014 trong chuỗi hoạt động nhân dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Đây là thời điểm Điện Biên thu hút rất nhiều khách du lịch tới trải nghiệm lễ hội, tạo điều kiện để quảng bá, giới thiệu và phát triển loại hình văn hóa độc đáo của đồng bào người Thái. 

Lễ hội hoa ban Tây Bắc có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống tâm linh và văn hóa của người dân nơi đây. Đây là dịp để người dân cầu nguyện cho một mùa màng bội thu, bình an và may mắn cho gia đình và cộng đồng. Ngoài ra, lễ hội còn giúp duy trì và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của người dân miền núi, đồng thời tạo điều kiện để các dân tộc giao lưu, học hỏi và tăng cường sự đoàn kết.

3. Nội dung lễ hội hoa ban

Các hoạt động trong khuôn khổ Ngày hội, gồm: Liên hoan dân ca, dân vũ, dân nhạc; hoạt động giao lưu, thi đấu thể thao; diễu hành đường phố chủ đề “Đêm hội Hoa Ban”; trưng bày, giới thiệu các sản phẩm văn hóa, du lịch; giới thiệu không gian văn hóa truyền thống của địa phương; không gian phiên chợ vùng cao, các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, độc đáo của các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; tổ chức các chương trình văn nghệ, trình diễn di sản Then, Xòe của dân tộc Thái; Cuộc thi Người đẹp Hoa Ban...

Lễ hội là dịp để tôn vinh, bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống đặc sắc của cộng đồng 19 dân tộc tỉnh Điện Biên; quảng bá vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa và những tiềm năng du lịch của Điện Biên nói riêng, vùng Tây Bắc nói chung tới đông đảo người dân, du khách trong nước và bạn bè quốc tế; là cơ hội để tỉnh Điện Biên tăng cường, mở rộng kết nối với nhiều tỉnh, thành phố, cộng đồng doanh nghiệp trong hợp tác, xúc tiến đầu tư - thương mại, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các địa phương. 

a. Lễ rước hoa ban

Lễ rước hoa ban là một trong những hoạt động quan trọng nhất trong lễ hội hoa ban Tây Bắc . Vào buổi sáng sớm, người dân sẽ cùng nhau đi vào rừng để rước hoa ban về làm đồ trang trí cho lễ hội. Đây cũng là dịp để người dân cầu nguyện và cảm tạ các vị thần đã ban tặng cho họ những bông hoa đẹp nhất.

b. Các hoạt động văn hóa truyền thống

Trong suốt lễ hội, du khách sẽ được tham gia vào nhiều hoạt động văn hóa truyền thống của người dân miền Tây Bắc như múa xòe, hát xoan, chơi cờ tướng… Đây là cơ hội để du khách hiểu thêm về văn hóa và phong tục của người dân nơi đây.

c. Hội chợ và giao lưu văn hóa

Lễ hội hoa ban còn là dịp để các dân tộc thiểu số giao lưu, học hỏi và trao đổi với nhau về văn hóa, tín ngưỡng và phong tục của mỗi dân tộc. Ngoài ra, du khách cũng có thể tham quan và mua sắm các sản phẩm thủ công truyền thống của người dân miền núi tại hội chợ trong lễ hội.

Thông tin chi tiết

Thời gian sắp diễn ra
0Ngày
0Giờ
0Phút
0Giây

Tác giả

Nguyễn Thế Tài

Đề xuất

Hạn chế

📅 22/02/2025 🌙 25/01/2025