
Đình Châu Phú được xây dựng vào khoảng 1820 – 1828. Hiện nay Đình tọa lạc tại góc đường Trần Hưng Đạo – Nguyễn Văn Thoại, phường Châu Phú A, thành phố Châu Đốc. Đình do Thoại Ngọc Hầu – Nguyễn Văn Thoại xây dựng trước khi đào Kênh Vĩnh tế để thờ cúng Lễ Thành Hầu – Nguyễn Hữu Cảnh. Đình được đặt tên là Trung Nghĩa Từ, nhưng do đóng vai trò là đình làng ngày xưa tại làng Châu Phú nên nhân dân hay gọi là đình Châu Phú. Hòa chung văn hóa dân gian Nam bộ, hàng năm đình Châu Phú tổ chức Lễ Kỳ yên vào trung tuần tháng năm Âm lịch. Lễ Kỳ Yên là nghi lễ cầu cho “mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an”.
Đình Châu Phú được xây dựng bề thế với lối kiến trúc cổ kính, kiểu chữ "tam", nóc có lầu, mái tam cấp, lợp ngói đại tiểu, nền lát gạch bông, tường gạch hồ vôi ô dước, cột gỗ căm xe và cà chất. Trên nóc đình chạm khắc nhiều tượng đẹp, khỏe như: Bát tiên, lưỡng long tranh châu, lưỡng long chầu nguyệt, cá hóa long, chim, công, phụng, sư tử...
Chánh điện gồm có 3 gian. Gian giữa là bệ thờ Nguyễn Hữu Cảnh - Thượng đẳng thần, Thoại Ngọc Hầu - Trung đẳng thần và thần Chánh phó Vệ Thuỷ. Hai bên là Tả Ban và Hữu Ban. Chánh điện có 9 hàng cột, mỗi hàng 4 trụ. Cột được làm bằng gỗ quý, đường kính hơn một vòng tay, ốp liễn đối, sơn son thiếp vàng, chạm trỗ lộng lẫy với các hình bát tiên, chim muông, mai lan, cúc trúc... Tất cả các hàng cột đều có hoành phi và câu đối được sơn thiếp vàng lộng lẫy.
Hằng năm, đình thần Châu Phú tổ chức trọng thể đại lễ Kỳ yên vào các ngày 10 – 11 – 13 tháng 5 âm lịch, kỷ niệm ngày mất Lễ Thành Hầu. Ngoài ra, đình tổ chức lễ giỗ Thoại Ngọc Hầu vào ngày 6 tháng 6 âm lịch. Năm 2023, Ban Tổ Chức Lễ Hội Tại Các Di Tích Cấp Quốc Gia ban hành Kế hoạch số 151/KH-BTCLH ngày 21/6/2023 Tổ chức Lễ kỷ niệm 194 năm ngày mất danh thần Thoại Ngọc Hầu (1829 – 2023) nhằm mục đích giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa lịch sử dân tộc, tưởng nhớ công lao của các bậc tiền nhân đối với địa phương, giáo dục truyền thống cao đẹp “uống nước nhớ nguồn”, tôn vinh công đức người xưa để thế hệ trẻ học tập noi theo.
Lễ cúng chánh tế đình
Lễ Kỳ Yên đình Châu Phú bắt đầu từ 06 giờ ngày 10/5 Âm lịch, Ban quý tế tề tựu đến 07 giờ thực hiện Nghi thức Thỉnh sắc sắc thần. Sắc thần Nguyễn Hữu Cảnh được thỉnh từ Nhà lớn Lê Công (Lê Phủ Từ Đường) về đình. Lễ này rất long trọng, có xe hoa, long đình, chiêng, trống, học trò lễ v.v… các vị trong ban quản trị đình thần mặc áo dài khăn đóng đi hầu phía sau. Sau lễ thỉnh sắc thần Nguyễn Hữu Cảnh là lễ thỉnh sắc thần Thoại Ngọc Hầu tại phủ thờ của ông Nguyễn Khắc Mi (cháu nhiều đời của Thoại Ngọc Hầu), sắc thần của hai ông chánh vệ thủy Đỗ Đăng Tàu và phó vệ thủy Lê Văn Sanh tại Miếu Vệ Thủy. Lễ được tiến hành hết sức nghiêm trang, sau các nghi thức dân gian truyền thống. Việc thực hiện các phần lễ nhằm tưởng nhớ công ơn các vị tiền nhân có công khẩn hoang, mở đất. Các tuồng hát bội được thể hiện đặc sắc với tiết mục: Nữ Tướng Tiêu Anh Phụng, Tiết Giao Đoạt Ngọc và Bích Vân Cung Kỳ Án.
Ban quý tế tề tựu
Ngoài các Lễ Chánh tế, Túc yết, Xây Chầu và Hát bội… Để giới thiệu các giá trị văn hóa tiêu biểu, đặc sắc riêng của địa phương, trong khuôn khổ Lễ Kỳ Yên năm nay, Ban Tổ Chức Lễ Hội tại các Di tích cấp quốc gia còn tổ chức thêm các sự kiện và hoạt động như: Chương trình Lễ kỷ niệm; Trò chơi dân gian; Tìm hiểu về nhân vật Nguyễn Hữu Cảnh; Tổ chức nói chuyện về nhân vật Thoại Ngọc Hầu; Tổ chức Lễ hội đường phố: Thoại Ngọc Hầu Kinh lý Tân Lộ Kiều Lương. Với đông đảo sự tham dự của cán bộ, viên chức, nhân dân và du khách./.
Bảng xếp hạng di tích quốc gia
Chương trình lễ kỉ niệm 323 năm ngày mất Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh.