
Lễ hội lồng thồng Bủng Kham:
1. Lịch sử lễ hội lồng thồng Bủng Kham:
Lễ hội lồng thồng Bủng Kham theo truyền thuyết, bảy nàng tiên trốn Ngọc Hoàng xuống trần ngắm cảnh, khi đi qua vùng đất này dừng chân tắm mình trong dòng nước mát. Nghe tiếng gọi của Thiên Đình, các nàng vội mặc xiêm y bay về trời để quên bảy dải lụa biến thành bảy dòng suối lượn quanh cánh đồng Thất Khê màu mỡ. Trong các dòng suối thì suối Năm Ăn lớn nhất, các tiên nữ thường vui đùa vãn cảnh khắc lên gò đá gần đó bàn “Chẹt Khum” (ô ăn quan).

Lễ hội Bủng Kham (Bủng Kham là vũng nước lớn) xưa kia địa điểm này là Vũng nước lớn. Lễ hội đã có từ lâu đời, từ khi đã có các tộc người Tày - Nùng - Dao - Kinh,.. cùng nhau sinh sống trên mảnh đất này. Theo các cụ già thôn Nà Phái kể lại về truyền thuyết cái tên “Thất Khê” (tiếng Hán tức là "Bẩy dòng Suối") cùng hội tụ và đưa nguồn nước quý về cho mảnh đất này và có các vị Thần tiên, Thần Nông bảo vệ cho cuộc sống thường ngày và sản xuất nông nghiệp của nhân dân tại nơi đây. Để tưởng nhớ vị Thần Nông đã nuôi sống con người qua bao thế hệ, bà con trong thôn xã Đại Đồng hàng năm cứ đến mùa xuân lại tổ chức Lễ hội lồng thồng cúng Thần Nông, Thần Thổ địa và các vị Thần Tiên (các Nàng Tiên) để cầu mong cuộc sống bình an, sức khỏe, làm ăn thuận lợi mùa màng bội thu cho tất cả bà con nhân dân trong thôn xã.

2. Lễ hội diễn ra:
Lễ hội được tổ chức thành 2 phần lễ và phần hội. Phần lễ và phần hội được diễn ra vào buổi sáng, do thầy mo và một số người cao niên có uy tín trong thôn thực hiện các bài khấn thần linh để xin mở hội. Sau nghi lễ này, thầy mo thực hiện nghi lễ xin phép các vị thần linh (Thần Nông, Thần Tiên và Thần Hoàng Trùng) cho dân làng mở hội lồng thồng.

Những Người có uy tín, đại diện cho các thôn trong trang phục quần áo truyền thống làm lễ bái cúng các vị thần thực lên các ban thờ, cùng cầu khấn cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, làng bản yên vui, nhà nhà hạnh phúc…

Sau phần dâng lễ, đoàn sư tử của xã vào múa chào mừng khai mạc Lễ hội. Sau màn đánh trống khai hội, Ban Tổ chức lễ hội tiến hành chấm thi và tổ chức trao giải thưởng cho các thôn có mâm lễ đẹp nhất. Tiếp theo là nghi thức “lồng thồng” (xuống đồng), Ban Tổ chức lễ hội chuẩn bị một thửa ruộng ở gần nơi diễn ra lễ hội, ruộng đã được cày bừa sẵn và được cắm cờ hội xung quanh. Sau một hồi trống, chiêng nổi lên, đại diện Ban Tổ chức lễ hội và đại diện Nhân dân các thôn xuống ruộng và cùng cấy những cây lúa đầu tiên của vụ Xuân năm mới…

Phần hội diễn ra từ trưa với các trò chơi dân gian, truyền thống, các hoạt động văn nghệ - thể thao mang đậm nét dân tộc như: Trò chơi ô ăn quan, trò đánh đu, trò gieo lộc; thi đấu đẩy gậy, đánh yến, kéo co, tung còn, múa sư tử, thi ẩm thực; biểu diễn múa sư tử, các làn diệu hát then, sli, lượn…
