
Biên Hòa - Đồng Nai hằng năm có hàng trăm lễ hội gắn liền với đặc trưng văn hóa, phong tục tập quán của cư dân bản địa. Các lễ hội này đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Trong số đó có lễ hội vía ông Đá mộ cự thạch Hàng Gòn, TP.Long Khánh (được tổ chức vào ngày 13-9 âm lịch hằng năm), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia.
Mộ Cự thạch Hàng Gòn (loại hình dolmen kiểu đá dựng) bằng đá khá to lớn được phát hiện năm 1927 (còn gọi là Mộ Đông Dương hay Mả Ông Đá) đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Gọi là Cự Thạch nghĩa là đá lớn. Hầm mộ cao 1,6m được lắp ghép bằng 6 phiến đá hoa cương lớn (kích thước 4,2m x 2,7m x 0,25m) (1). Sau khi khai quật khu mộ Cự thạch, người dân đã dựng nên một am nhỏ bên cạnh mộ Cự thạch gọi là miếu Ông Đá. Miếu Ông Đá được xây dựng khoảng năm 1929 - 1930 dưới gốc cây sung cạnh hầm mộ. Từ đó đã hình thành nên tín ngưỡng thờ cúng Ông Đá, người dân địa phương tôn Ông Đá lên hàng phúc thần của thôn, của làng.
Đối với người dân địa phương, sự phát lộ của ngôi mộ đá to lớn, kỳ lạ gắn với những những câu chuyện kỳ bí, mang tính chất linh thiêng, đó là sự trừng phạt của “Ông Đá” đối với những người dám bất kính, xâm phạm đến chốn linh thiêng hay sự ban phúc lành với những ai thành kính cầu khấn. Trong giai đoạn chiến tranh chống Mỹ, khu vực này bị đốt cháy, cây sung đã bị khô và chết. Sau năm 1975, người dân cho xây dựng trên nền cái am cũ một ngôi miếu nhỏ để thờ: Miếu xây gạch, lợp ngói, có diện tích khoảng 3m2. Tên gọi ngôi miếu gắn liền với ngôi mộ bằng đá với danh xưng “Ông Đá”, họ tâm niệm “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”.

(Hình ảnh: Mộ Ông Đá hay còn gọi là mộ Cự Thạch)
Sau khi xây dựng, bên trong miếu Ông Đá đùn lên một tổ mối to trùm lên cả ban thờ tạo với những hình thù kỳ lạ làm tăng sự huyền bí của ngôi mộ Ông Đá. Năm 2011, thực hiện dự án trùng tu, tôn tạo khu Mộ Cự thạch Hàng Gòn, ngôi miếu nhỏ đã bị phá bỏ và được xây dựng mới cách vị trí cũ khoảng 10m, diện tích rộng lớn hơn miếu cũ. Mặt tiền miếu quay về hướng Đông gồm: Bình phong, Chánh điện và Nhà bếp, mái lợp ngói vảy cá, nền lót gạch tàu, cột được làm bằng bê tông cốt thép, sơn giả gỗ. Mặt tiền với ba gian thông thoáng bố trí ba cửa bằng gỗ, các vách tường được xây dựng kín đáo. Trong Miếu bài trí ba ban thờ tương ứng với ba gian. Ban chính giữa thờ Ông Đá với bức tranh kiếng ghi chữ “Liên tướng từ bi”, hai ban thờ hai thờ “Tả ban, Hữu ban”, các ban thờ bài trí lư hương, chân đèn, bình hoa... Trên các xà ngang và cột đều được trang trí các hoành phi, liễn đối nội dung ca ngợi công đức của Ông Đá.
Từ năm 2011 sau khi miếu Ông Đá (tại Mộ Cự Thạch Hàng Gòn) được xây dựng mới to lớn khang trang, các hoạt động thờ cúng được người dân tổ chức ngày càng quy mô với lễ hội Ông Đá khá sinh động gồm các phần lễ và phần hội thu hút đông đảo người dân tham gia.
Hàng năm, vào ngày 12 và 13 tháng 9 âm lịch người dân Hàng Gòn tổ chức lễ cúng “Ông Đá” với mục đích bày tỏ lòng thành và cầu cho người dân được sống cảnh an lành “Quốc thái dân an”, “Phong điều vũ thuận”, “phong đăng hòa cốc”. Các nghi thức Lễ cúng Ông Đá cơ bản giống lễ cúng kỳ yên tại các đình làng Nam bộ nhưng được giản lược. Sau khi chuẩn bị lễ vật như vịt quay, heo quay, vàng mã, hương, hoa, trà, rượu, trái cây, nhang đèn, kiệu rước… Ban Quý tế miếu Ông Đá (do Ban Quý tế Miễu Bà trong xã Hàng Gòn kiêm nhiệm) thực hiện tuần tự các nghi thức trong hai ngày.
Ngày 12 tháng 9 (âm lịch): đúng 6 giờ Ban Tế lễ tiến hành lễ rước (nghinh) Ông Đá từ Khu hầm mộ Cự thạch về miếu: đi đầu là Đội lân sư rồng dẫn đường, tiếp theo đội nhạc lễ, Ban Quý tế và kiệu Ông Đá. Sau khi đến khu hầm mộ các thành viên Ban Tế lễ thực hiện nghi thức thỉnh Ông Đá về miếu dự lễ cúng với các nghi thức: niệm hương, dâng rượu, dâng trà. Trong quá trình thực hiện nghi thức cúng có đội nhạc lễ tấu nhạc. Chánh tế niệm hương dâng hương, dâng rượu, dâng trà lên bàn thờ. Sau đó, Chánh tế thỉnh ba cây hương đặt vào lư hương ở kiệu, đoàn rước đi một vòng quanh mộ Cự Thạch rồi quay về miếu. Hai giờ chiều là lễ khai kinh cầu an do các nhà sư thực hiện theo nghi lễ phật giáo.
(Hình ảnh: Ban tế lễ tiến hành lễ rước Ông Đá)
Ngày 13 tháng 9 (âm lịch): Sau khi chuẩn bị lễ vật cúng gồm hương, hoa, trà, rượu, trái cây, nhang đèn… đến 6 giờ sáng Ban Tế lễ thực hiện Nghi thức cúng tại miếu gồm các nghi lễ: dâng hương, dâng trà, dâng rượu từ ban thờ chính và sau đó ở ban thờ còn lại. 6 giờ 30 Ban Tế lễ thực hiện Nghi thức lễ đưa Ông Đá về khu hầm mộ Cự Thạch với thành phần tham dự và nghi thức giống phần nghinh Ông. Sau phần lễ đưa Ông Đá về khu hầm mộ Cự Thạch, chương trình lễ hội miếu Ông Đá cũng chính thức kết thúc.
Song song các nghi thức cúng trang nghiêm thì các phần hội diễn ra sôi động như: Hội thi trang trí mâm ngũ quả; biểu diễn múa lân sư rồng; hát tuồng cổ... phục vụ bà con, du khách dự lễ. Các hoạt động lễ hội đã góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị di tích góp phần quảng bá các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của di tích cấp quốc gia đặc biệt Khảo cổ Mộ Cự thạch Hàng Gòn đến đông đảo du khách, qua đó nâng cao mức hưởng thụ văn hóa người dân, phát triển dịch vụ du lịch ở địa phương cũng như bảo vệ, phát huy các giá trị di sản khảo cổ học độc đáo cho thế hệ hôm nay và mai sau.

(Hình ảnh: Biểu diễn tuồng tại lễ hội miếu Ông Đá)
Từ ngôi mộ Cự Thạch (lắp ghép bằng kỹ thuật đá dựng to lớn) được phát hiện cung cấp những cứ liệu về một ngôi mộ chung có thể của cư dân cổ Đồng Nai cách nay hơn 2000 năm, người dân Hàng Gòn đã xây dựng ngôi miếu Ông Đá để tín ngưỡng tâm linh với khu mộ. Dần dần ngôi miếu được xây dựng to lớn hơn trong quá trình trùng tu tôn tạo khu hầm mộ Cự thạch. Song song đó lễ hội miếu Ông Đá cũng đã được tổ chức quy mô hơn, với nhiều hình thức lễ và hội thể hiện nềm tin và tín ngưỡng dân gian của người dân địa phương đối với vong linh người đã khuất ở khu hầm mộ Cự thạch. Lễ hội miếu ông Đá trở thành một trong những sinh hoạt tín ngưỡng dân gian khá đặc biệt ở di tích quốc gia đặc biệt mộ Cự Thạch Hàng Gòn độc đáo ở Việt Nam. Đặc biệt, lưu truyền trong dân gian về di tích mộ cự thạch Hàng Gòn có những câu chuyện kỳ bí, mang tính chất linh thiêng. Đó là sự quở trách, trừng phạt của ông Đá đối với những con người bất kính đã xúc phạm đến chốn linh thiêng hay ban cho điều phúc, điều lành với những ai thành kính cầu khấn. Những câu chuyện dân gian ấy cứ mãi được lưu truyền, làm tăng thêm sự huyền bí xung quanh di tích, góp phần gìn giữ mộ cự thạch Hàng Gòn.