
Tham gia lễ hội có hơn 50 gian hàng trưng bày các loại nhãn quả tươi của các nhà vườn trong tỉnh. Các chủ vườn đã phổ biến với khách tham quan những đặc điểm, nét riêng về giống nhãn lồng đặc sản của từng vùng miền, như nhãn chiết Hương Chi, nhãn đường phèn ở vùng thủ phủ nhãn Tiên Lữ, thành phố Hưng Yên, nhãn muộn Khoái Châu... Theo các nhà vườn, năm nay nhãn được mùa lớn với sản lượng tăng 30% so với vụ năm ngoái. Tuy được mùa nhưng nhiều vườn nhãn vẫn bán được giá do chất lượng ngon, mẫu mã đẹp, đảm bảo an toàn vệ sinh thưc phẩm.
Theo ông Nguyễn Văn Doanh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hưng Yên, hiện nay tại các huyện Khoái Châu, Kim Động, Tiên Lữ, thành phố Hưng Yên đã thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất nhãn quy mô lớn, hình thành vùng chuyên canh theo quy trình VietGap. Các diện tích nhãn có chất lượng ngon được trồng, chăm sóc theo quy trình khép kín đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có nguồn gốc, tem nhãn xuất xứ rõ ràng, nhằm giữ vững thương hiêu và tạo uy tín với khách hàng.
Về việc tiêu thụ nhãn, ông Nguyễn Văn Thơ, Giám đốc Sở Công Thương Hưng Yên cho biết, năm nay Sở đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu quảng bá tiềm năng về cây nhãn lồng với các tỉnh, thành phố trong nước. Sở đã mời các doanh nghiệp thương nhân Trung Quốc, Hàn Quốc đến Hưng Yên để tìm hiểu, ký kết tiêu thụ nhãn và các nông sản của tỉnh. Bước đầu đã có gần 100 hợp đồng được ký kết tiêu thụ với sản lượng gần 3.000 tấn xuất cho các siêu thị Big C, Hapro, Sài Gòn, Fivimart... đồng thời, xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Riêng thị trường Trung Quốc đã có gần 100 doanh nghiệp, thương nhân đăng ký thu mua khoảng 1.000 tấn nhãn.
Tại đây đã hội tụ nhiều giống nhãn ở nhiều vùng trong tỉnh như nhãn đường phèn, siêu ngọt, nhãn cùi, nhãn Miền Thiết, T1, T6, Hương Chi... Đây là các giống nhãn ngon đang được nhân rộng ở các huyện Khoái Châu, Ân Thi, Kim Động, Phù Cừ, Tiên Lữ, thành phố Hưng Yên.
Tại lễ hội, người tiêu dùng được thưởng thức sản phẩm nhãn lồng chất lượng; người trồng nhãn và doanh nghiệp được giao lưu, trao đổi kinh nghiệm thâm canh, có ý thức quản lý tốt quy trình sản xuất sạch theo hướng VietGAP, để cho ra thị trường những sản phẩm đáp ứng yêu cầu mẫu mã, hình thức, chất lượng ngày càng cao.
Thông qua lễ hội, các chủ vườn và các hợp tác xã trồng nhãn trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có cơ hội ký kết được nhiều hợp đồng hợp tác sản xuất, cung ứng sản phẩm nhãn lồng với các doanh nghiệp kinh doanh nông sản.
Nhãn lồng Hưng Yên được xếp hạng 13 trong số 50 trái cây nổi tiếng của Việt Nam, được Tổ chức kỷ lục Việt Nam công nhận là loại trái cây ngon nhất và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa "Nhãn lồng Hưng Yên hương vị tiến vua," được công nhận chỉ dẫn địa lý giúp khách hàng nhận biết và thưởng thức sản phẩm chính hiệu nhãn lồng Hưng Yên.
Năm 2020, nhãn lồng được chọn là một trong những sản phẩm chủ lực tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Tỉnh Hưng Yên đang triển khai và thực hiện nhiều giải pháp nâng tầm nhãn lồng lên thành sản phẩm 5 sao.
Vụ nhãn năm nay, sản lượng nhãn của tỉnh đạt khoảng hơn 50.000 tấn. Hiện các nhà vườn đã ký kết hợp đồng tiêu thụ với giá ổn định.
Tỉnh cũng đang triển khai Sàn giao dịch thương mại điện tử, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại nhà vườn các kỹ năng, nghiệp vụ cập nhật thông tin, kết nối, giao thương khách hàng trong và ngoài nước, nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ và xuất khẩu nhãn.
Phát biểu khai mạc lễ hội, ông Nguyễn Hùng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên cho biết: Lễ hội Nhãn lồng Hưng Yên là hoạt động thường niên, tổ chức vào đầu vụ thu hoạch nhãn hàng năm của tỉnh. Đây là nơi giao thương, kết nối, thưởng thức và trải nghiệm sản phẩm nhãn lồng Hưng Yên, giúp người trồng nhãn giới thiệu thành quả lao động của mình. Thông qua lễ hội, các chủ vườn, hợp tác xã trồng nhãn trên địa bàn tỉnh có thêm cơ hội học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm canh tác, ký kết được nhiều hợp đồng, hợp tác sản xuất, cung ứng sản phẩm nhãn lồng Hưng Yên.
Trong ngày khai mạc, Lễ hội đã thu hút hàng nghìn lượt người dân trong tỉnh, các du khách, doanh nghiệp, doanh nhân, tiểu thương tới thăm quan các gian hàng, tìm hiểu về các giống nhãn, đặt mua nhãn và các sản phẩm nông sản của các hợp tác xã, các nhà vườn. Ngoài ra, tại các gian hàng còn trưng bày, giới thiệu bán các sản phẩm OCOP tiêu biểu, sản phẩm du lịch của tỉnh Hưng Yên.
Năm nay toàn tỉnh Hưng Yên có hơn 5.000 ha nhãn; trong đó diện tích nhãn thu hoạch khoảng 4.800 ha. Diện tích nhãn đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP đến nay là 1.200 ha, của 81 cơ sở, vùng sản xuất nhãn trong toàn tỉnh.
Năm 2022, do ảnh hưởng của thời tiết, nên nhãn lồng Hưng Yên vào vụ thu hoạch muộn hơn hàng năm nhưng vẫn là một năm được mùa với sản lượng đạt khoảng 45.000 tấn. Trong đó diện tích nhãn chín sớm chiếm khoảng 5% diện tích; nhãn chín chính vụ khoảng 85% còn lại là trà nhãn chín muộn. Bên cạnh bán nhãn quả tươi, khoảng 35% tổng sản lượng được chế biến làm long nhãn.

Nhãn lồng trong hội chợ được các nhà vườn thực hiện tốt việc trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP, bảo đảm an toàn thực phẩm, giữ gìn thương hiệu nhãn lồng Hưng Yên.
Với tinh thần đưa nhãn lồng - nông sản Hưng Yên vươn xa hơn nữa trong thời gian tới, tỉnh Hưng Yên đã và đang tích cực triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà vườn trong việc áp dụng quy trình VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ vào sản xuất, canh tác. Qua đó nhằm nâng cao năng suất, giá trị, thương hiệu các giống nhãn của tỉnh. Đồng thời tăng cường xây dựng và phát triển các chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, bao bì sản phẩm; hỗ trợ hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến, bảo quản đến tiêu thụ, đồng thời tổ chức hội nghị xúc tiến tiêu thụ nhãn và nông sản, đưa quả nhãn lên các sàn thương mại điện tử, các nền tảng số hóa.
Ngoài ra, UBND tỉnh Hưng Yên tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã nâng cao tính chuyên nghiệp, kỹ năng bán hàng trực tuyến, kỹ năng marketing; hỗ trợ thực hiện các thủ tục có liên quan để kết nối, đẩy mạnh xuất khẩu nông sản của tỉnh, đặc biệt là với thị trường các nước thuộc ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU...