Âm Lịch 15/10

Lễ hội Oóc Om Bók – Bạc Liêu

Lễ hội Bắt đầu ngày 15/10🌙 Âm lịch 1 ngày

Lễ hội Óoc-om bok hay còn gọi là Lễ cúng trăng của đồng bào dân tộc Khmer ở tỉnh Bạc Liêu được khôi phục từ năm 2009 và từ đó đến nay hội được tổ chức vào ngày 15 tháng 10 âm lịch hàng năm, nhằm bảo tồn và phát huy những nét văn hoá đặc sắc của đồng bào Khơ me tỉnh Bạc Liêu nói riêng và đồng bào Khơ me vùng Nam Bộ nói chung. Lễ hội hồm hai phần là Phần Lễ và Phần Hội. Phần Lễ gồm các nghi thức lễ, làm cốm dẹp, thả đèn nước, phục dựng các tập tục cúng trăng, treo đèn gió. Phần Hội có tổ chức các trò chơi dân gian như  thả đèn gió, đèn nước, đua ghe ngo và nhiều hoạt động văn nghệ khác với sự tham gia của ba dân tộc Kinh, Khơ me và Hoa. Ngoài ra, lễ hội này còn tổ chức các bộ ẩm thực dân dã, trưng bày hình ảnh về đất nước và con người, các loại nhạc cụ, mua bán nông sản...

Lễ hội được tổ chức vào dịp rằm tháng 10 âm lịch hằng năm. Đây là lúc kết thúc vụ mùa, người Khmer tổ chức lễ hội cúng trăng để tỏ lòng biết ơn đến Thần Mặt Trăng - vị thần đã đem lại mưa thuận gió hòa, giúp mùa màng bội thu, đồng thời giúp nông dân trúng mùa lần tới. Lễ hội Ook Om Bok là một sự kiện công khai và được diễn ra hàng năm trong lịch Lễ hội của các dân tộc Việt Nam lần đầu tiên vào ngày 15/10/2017 âm lịch, nhằm nâng cao nhận thức các cấp, ngành và đồng bào các dân tộc trong việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, Ook Om Bok thường được đồng bào Khmer tổ chức trong phạm vi gia đình hoặc ở chùa, ở các nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng rộng rãi, có ánh trăng rằm soi sáng nhất; lễ cúng được tổ chức đêm 14/10 âm lịch ngay khi trăng vừa lên, cùng với một mâm sản vật (không thể thiếu cốm dẹp) được bày giữa sân. Trong tiếng Khmer, "Ook" nghĩa là đút, "Om Bok" nghĩa là "Cốm dẹp". Như vậy có thể hiểu Ook Om Bok là hành động đút cốm dẹp vào miệng (phải là người chủ trì buổi cúng đó đút cho con, cho cháu chừng nào đầy trong miệng mới dừng lại). Ðây cũng là nghi thức chính mang ý nghĩa tâm linh rất lớn với đồng bào Khmer. Gia chủ, người lớn tuổi hoặc các vị sư, sãi hay Achar có mặt sẽ đại diện khấn nguyện cúng lên thần những sản vật của vụ mùa vừa qua. Sau khi cháy hết tuần hương, người già và trẻ em đến ngồi xếp bằng trước ban thờ, chắp tay thành kính trước ban thờ mặt trăng. Cuối cùng mọi người hạ cỗ cùng nhau hưởng lễ vật; trẻ nhỏ nô đùa, múa hát, chơi các trò chơi dân gian dưới trăng.

Tổ chức xong phần lễ, thì có lẽ phần Hội được đồng bào người Khmer mong chờ nhất. Sau lễ cúng trăng, các gia đình đến chùa xem thả đèn gió, đèn Lôipratip (đèn nước-hoa đăng). Bầu trời và cả mặt nước đều sáng rực với những chùm đèn gió bay cao và những ngọn nến trên sông lung linh đủ màu sắc được cắm trong những con thuyền hoặc bè nhỏ được mọi người kết bằng cây chuối, cây trúc, sơn phết trang trí giấy đủ màu sắc rất đẹp mắt, như thể hiện sự gắn bó mật thiết của con người với môi trường tự nhiên, bày tỏ lòng tri ân đến đất, trời và cầu xin thần linh tha thứ về những việc làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh trong quá trình sinh sống,…

Từ xưa, đua ghe Ngo đã trở thành một hoạt động hấp dẫn không thể thiếu trong dịp lễ hội Oóc-om-bóc truyền thống của đồng bào Khmer. Trước Rằm tháng 10, nhiều chùa Khmer trên địa bàn tỉnh đã tổ chức các giải đua ghe Ngo, Ở hai bên bờ sông, người dân đến cổ vũ đông nghẹt, tiếng trống, tiếng hò hét, vỗ tay thúc giục càng làm cho các tay chèo thêm sung sức để vung mạnh mái dầm tiến về đích

Theo truyền thống, vào đêm Rằm tháng 10, khi Mặt trăng lên cao, mọi người tập trung tại chùa để làm lễ. Mâm cúng bày các lễ vật như: dừa, chuối, xoài, bánh gừng và cốm dẹp…. Mâm cúng bày xong, khi trăng lên cao, mọi người ngồi chắp tay quay mặt về hướng Mặt trăng và mời người cao tuổi, người có uy tín trong phum sóc làm chủ lễ. Bà con cùng khấn vái xin Thần Mặt trăng tiếp nhận lễ vật và ban cho mọi người sức khỏe, mùa màng tươi tốt trong thời gian tới

Cúng xong, mọi người quây quần cùng thụ lộc từ các đồ cúng để hưởng phước, các em nhỏ thì được đút cốm dẹp và hỏi những ước nguyện trong tương lai. Đặc biệt, một trong những nghi thức không thể thiếu trong lễ cúng Trăng là tục đưa Thần nước, thả hoa đăng trên các con kênh, dòng sông trong phum sóc. Những chiếc đèn rực rỡ sắc màu mang theo lời cầu mong phước lành đến cho mọi nhà, cuộc sống sung túc, con cháu khỏe mạnh, thuận hòa

Sau phần lễ, tất cả trai gái, già trẻ đều tham gia nhảy múa, ca hát, chơi trò chơi dân gian để vui đêm hội làm cho phum sóc trở nên rộn ràng, vui tươi và ngập tràn sắc màu văn hóa dân tộc

Việc tổ chức Lễ hội nhằm nâng cao nhận thức các cấp, ngành và đồng bào các dân tộc trong việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đồng thời, ngày hội cũng tôn vinh, quảng bá, giới thiệu giá trị văn hóa của đồng bào Khmer với đồng bào cả nước, để đồng bào các dân tộc có dịp gặp gỡ, giao lưu, tham gia vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, tạo sự đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc trong và ngoài tỉnh. Qua đó, góp phần phát triển kinh tế, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, giáo dục truyền thống yêu nước, củng cố tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đẩy mạnh cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", phong trào "Dân vận khéo", chung sức xây dựng nông thôn mới và cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại"

Thông tin chi tiết

Thời gian sắp diễn ra
0Ngày
0Giờ
0Phút
0Giây

Tác giả

Nguyễn Thị Kiều Trang

Đề xuất

Hạn chế

📅 22/02/2025 🌙 25/01/2025