
Lễ hội Phài Lừa Lạng Sơn
1. Sự tích nguồn gốc lễ hội Phài Lừa Lạng Sơn:
Tương truyền xưa kia trên bến đò sông Văn Mịch, có hai vợ chồng nghèo sinh sống bằng nghề đánh bắt cá, cuộc sống quanh năm vất vả nhưng cũng chỉ đủ ăn. Không chỉ vậy khổ nỗi đến 40 tuổi mà vẫn chưa có một mụn con, cả hai buồn không tả xiết.
Một ngày nọ, người vợ nằm mơ bị sét đánh vào cạnh sườn. Khi tỉnh giấc bà vội kể lại cho chồng nghe. Người chồng trấn an vợ và nói rằng: “Trời báo mộng rằng chúng ta gặp điều lành rồi đó”. Quả thực từ sau giấc mơ ấy người vợ đã mang thai, cuộc sống chài lưới bên sông của vợ chồng họ vẫn diễn ra êm đềm như vậy.
Đến một hôm họ đi đánh bắt cá trên sông Văn Mịch, khi kéo mẻ lưới lên tình cơ thấy một quả trứng rất lạ, đầu trứng có một chấm rất đỏ. Thấy lạ kỳ hai vợ chồng đem về ấp thử, một thời gian sau trứng nở ra một con rắn có mào. Vì ông bà chưa sinh con nên nhận Rắn làm con. Còn người vợ sau một thời gian mang thai đủ ngày đủ tháng đã sinh ra một cậu con trai và coi như em trai của Rắn.
Theo thời gian hai anh em khôn lớn và trưởng thành. Một hôm hai anh em rủ nhau ra sông tắm, do mải bơi ra xa nên người em đã bị Thuồng luồng bắt mất. Khi biết chuyện cả gia đình buồn không tả xiết. Vì căm hận Thuồng luồng đã bắt mất em, Rắn đã tìm đến tận hang ổ của Thuồng luồng để tiêu diệt kẻ thù, vừa trả thù cho em vừa trừ được hiểm họa cho người dân trong vùng.
Sau khi diệt hết Thuồng luồng, Rắn về nhà từ biệt cha mẹ và hẹn cứ 3 năm một lần sẽ về thăm song thân rồi trườn xuống bơi về hướng sông Kỳ Cùng và sinh sống tại đó.
Để luôn ghi nhớ công ơn và thán phục sức mạnh phi thường tiêu diệt kẻ ác, mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân. Về sau này dân làng ven sông Văn Mịch đã lập đình thờ cha mẹ và chàng Rắn bên cây đa Pác Lọ Đảng. Cũng từ đó lễ hội Phài Lừa thường tổ chức 3 năm một lần vào ngày 4/4 năm nhuận đầu tiên với nghi thức rước bát hương dạo quanh bến đò Văn Mịch. Ý nghĩa của nghi thức này là đón chàng Rắn về thăm cha mẹ và thăm hỏi dân làng xem bà con làm ăn, lao động ra sao.

2. Lễ hội Phài Lừa ở Lạng Sơn có gì độc đáo?
Lễ hội Phài Lừa xã Hồng Phong huyện Bình Gia được tổ chức thành 2 phần chính:
- Phần lễ: Nghi thức cúng Thần Rắn do các thầy cúng trong vùng thực hiện
- Phần hội: Hoạt động vui chơi, thể dục thể thao, các tiết mục văn nghệ

2.1. Tham gia lễ rước bát hương đón thần Rắn về làng:
Để tổ chức lễ hội Phài Lừa Bình Gia, từ đầu tháng 3 các cụ bô lão đứng đầu 3 dòng họ: Vy, Đỗ, Nông (3 dòng họ lâu đời ở xã, có công xây dựng và quản lý Đình) sẽ tập trung họp bàn và thống nhất công tác tổ chức lễ hội.

Ban nghi thức, nghi lễ sẽ gồm có: 1 pú mo (thầy cúng); 1 pú hội (người phụ giúp pú mo); 3 pú đình (đại diện 3 dòng họ cai quản đình) cùng thầy cúng thực hành nghi lễ tại đình Ông, đình Bà. Ngoài ra còn có các trai đinh bê rước bát hương (4-6 người), cầm cờ, khênh kiệu, chuẩn bị lễ vật và đội sư tử (12-16 người).

Khi bắt đầu lễ hội, người dân ven sông Văn Mịch và các bản làng lân cận sẽ tập trung tại Đình Ông. Tại đây một bàn thờ tế sẽ được lập nên trong một chiếc kiệu có tượng rắn với thịt lợn, gà, xôi, rượu. Thầy cúng sẽ làm lễ tế thần Rắn và mời thần về dự hội, thăm bố mẹ nuôi và dân bản; cầu cho mọi người khỏe mạnh bình an, cho mùa màng bội thu, trâu bò, lợn gà được đầy chuồng…

Nghi thức rước kiệu Thần Rắn xuất phát từ đình Ông đến miếu Thổ Công, sau đó đi quanh chợ và phố Văn Mịch. Mỗi gia đình trên tuyến đường đoàn rước đi qua đều làm một mâm cỗ chay để chào mừng Thần Rắn với mong muốn cầu tài lộc, hạnh phúc, may mắn.

2.2. Vui hội cùng dân bản với các trò chơi truyền thống:
Sau nghi thức tế lễ và rước kiệu Thần Rắn là đến phần tranh tài của các thanh niên trai tráng đại diện cho các thôn bản trong xã. Một số môn thi truyền thống có thể kể đến: chèo Bè, bơi sải, thi lặn, thi lặn bắt chân vịt, múa sư tử, hát sli và nhiều trò chơi dân gian khác. Cụ thể:
- Chèo bè (Phài Lừa): mỗi lượt chèo gồm có 3 đội tranh tài. Các tay chèo phải quỳ gối chèo chứ không được đứng, ngồi hay chống tay trên bè. Vòng đua diễn ra trên khúc sông dài trên 1000m và bè nào về đích trước chiến thắng.

- Thi bơi sải, lặn và lặn bắt chân vịt: được tổ chức thành 3 vòng đua, trong mỗi vòng có 3 đội tham gia.
Lặn bắt chân vịt cũng là cuộc thi mang lại không khí sôi động, hào hứng cho người tham gia - Múa sư tử: tượng trưng cho sức mạnh, sự phát đạt thịnh vượng, thuận lợi và hạnh phúc;
- Hát sli: từng nhóm nam nữ tập trung lại dọc bờ sông và xung quanh khu vực lễ hội để hát với nhau. Đây là dịp để giúp các nam thanh nữ tú có cơ hội kết bạn, tìm hiểu lẫn nhau, tạo nên không khí vui vẻ, đoàn kết trong cộng đồng.

"Lảy cỏ" - trò chơi dân gian đặc sắc của đồng bào Tày, Nùng huyện Bình Gia cũng được tổ chức tại lễ hội. Trò chơi này phải kết hợp giữa miệng, tay và trí óc. Khi chơi chỉ có hai người ngồi đối diện hoặc ngồi vòng tròn theo mâm cỗ dựa trên nguyên tắc người nào thắng cuộc sẽ tiếp tục thi tài với người khác, người thua sẽ bị phạt bằng rượu.

Kết thúc lễ hội, thầy cúng cùng đại diện 3 dòng họ Nông, Đỗ, Vy và đội sư tử sẽ tiến hành nghi thức rước bát hương Thần Rắn về đình Ông, đình Bà, bẩm báo kết quả lễ hội, tiễn Thần Rắn về nhà và bế mạc lễ hội bằng màn múa bái lạy của đội sư tử.