
Hằng năm mười một tháng Giêng
Chưng cộ, hát bộ, đua thuyền tri ân”…
Lễ rước Cộ Bà Chợ Được là lễ hội của người dân xã Bình Triều cũng như các xã vùng Đông huyện Thăng Bình. Hằng năm, cứ vào mồng 10 và 11 tháng Giêng âm lịch, người dân khắp nơi lại tụ hội về làng Phước Ấm (xã Bình Triều, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) để xem lễ hội Bà Chợ Được. Đây là lễ hội dân gian ghi dấu đời sống tâm linh, tín ngưỡng của người dân xã Bình Triều cũng như các xã vùng đông huyện Thăng Bình nói riêng và người dân Quảng Nam nói chung. Lễ hội phản ánh tín ngưỡng phồn thực của cư dân nông nghiệp vùng biển Quảng Nam, gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt, đồng thời thể hiện lòng thành kính đối với các bậc tiền nhân và những mong ước bình dị về cuộc sống an lành, no đủ của người dân.
1. Vài nét về Lăng Bà Chợ Được
Lăng Bà Chợ Được được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận là di tích Lịch sử - văn hóa cấp tỉnh năm 2008, tọa lạc ở thôn Phước Ấm, xã Bình Triều, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, cách thị trấn Hà Lam khoảng 5km về phía đông. Đây là nơi thờ một vị nữ thần có vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân Bình Triều. Theo Truyện Thần Nữ Linh Ứng (viết bằng chữ Hán) hiện đang lưu giữ tại lăng Bà Chợ Được thì Bà họ Nguyễn, tên Của, sinh ngày 25/02 năm Canh Thân (1800) tại phiếm Ái Châu, làng Phường Chào, tổng Mỹ Hòa, huyện Diên Phước (nay là xã Đại Cường, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam). Bà mất ngày 19/11 năm Đinh Sửu (1817) và được dân làng lập đền thờ tại quê nhà. Năm Nhâm Tý (1852), Bà hiển linh tại làng Phước Ấm, hóa thành một thiếu nữ xinh đẹp đổi nước, bán trầu, bốc thuốc chữa bệnh, cứu nhân độ thế, biến hóa thần thông trị tội tham quan. Và cũng chính Bà đã linh ứng tạo dựng bãi cát hoang vắng này thành ngôi chợ, để rồi người qua người lại nơi đây ngày càng đông. Để tri ân công đức của Bà, người dân làng Phước Ấm lập miếu thờ, ngày đêm hương khói và đệ đơn lên triều đình xin sắc phong. Năm Mậu Tuất (1898), Triều đình Huế ban sắc phong Bà là “Tề Thục Dực Bảo Trung Hưng Trung Đẳng Thần”. Năm 1924, Vua Khải Định lệnh tặng cho Bà là “Trang Huy Dực Bảo Trung Hưng Thượng Đẳng Thần”. Năm Đinh Mẹo (1927), vua Bảo Đại gia tặng Bà là “Tề Thục Dực Bảo Trang Huy Thượng Đẳng Thần”.
Người dân Bình Triều đón nhận sắc phong vào ngày 11/01 âm lịch, nên nay thành lệ hằng năm cứ vào mồng 10 và 11 tháng Giêng âm lịch tại đây diễn ra Lễ hội rước Cộ Bà.
Ngày nay, lăng Bà Chợ Được tọa lạc trên một bãi đất rộng và thoáng mát ở xóm Chợ (tổ 16, thôn Phước Ấm, xã Bình Triều). Lần tu bổ lăng gần đây nhất là vào tháng 10 năm 1968, nhân dân trong làng với tấm lòng thành kính đã đóng góp kinh phí xây lại lăng Bà ba gian với tường gạch, mái ngói và vẫn còn được giữ gìn nguyên vẹn cho đến nay. Lăng Bà có diện tích 144 mét vuông, làm theo lối kiến trúc của đình làng ngày xưa với góc mái cong. Các đầu đao của bộ mái được trang trí hình con phượng - một trong “tứ linh”; hai đầu bờ nóc được đắp vênh lên như mũi thuyền. Chính giữa mái lăng là đồ án “lưỡng long triều nguyệt” rất sinh động.

Lễ rước Cộ
2.Lễ hội rước Cộ Bà Chợ Được
Lễ hội rước Cộ Bà Chợ Được đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản phi vật thể quốc gia năm 2014. Cũng như nhiều lễ hội dân gian khác, lễ hội rước Cộ Bà Chợ Được bao gồm phần lễ (lễ rước sắc, lễ cúng đất, lễ cúng Bà) và phần hội (hội đua thuyền, hát bội, rước Cộ…), trong đó, phần hội rước Cộ là điểm nhấn quan trọng, tạo nên đặc sắc riêng của lễ hội rước Cộ Bà.

Rước Cộ là nghi thức độc đáo nhất trong Lễ hội Bà Chợ Được. Ảnh: Đ.V
Lễ hội Bà Chợ Được chứa đựng các giá trị văn hóa truyền thống mang đậm dấu ấn bản sắc Việt, thể hiện tín ngưỡng thờ Mẫu của người dân Việt Nam ta bao đời nay được bà con nhân dân làng Chợ Được, xã Bình Triều tổ chức hàng năm vào những ngày đầu Xuân. Lễ hội là điểm tựa tâm linh vững chắc trong tâm thức của người dân huyện Thăng Bình nói riêng, khách thập phương nói chung. Trong hương trầm tỏa ngát hòa quyện với tiếng trống chiêng dập dồn, những nghi thức tế lễ, tâm hồn con người trở nên hướng thiện, thanh thản. Linh hồn của lễ hội là lễ rước Cộ - một hình thức nghệ thuật thông qua các trò diễn xướng dân gian chứa nhiều giá trị về tâm linh, văn hóa, nghệ thuật, điêu khắc, tạo hình, sân khấu, luật tục, lễ nghi,... tạo nên sự cố kết cộng đồng, sự kết nối quá khứ - hiện tại và tương lai, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa làng xã, bảo tồn những vốn quý của di sản văn hoá tinh thần của người dân địa phương.

Ảnh: Đoàn rước Cộ
Tùy vào nguồn kinh phí hàng năm mà lễ hội có quy mô lớn, nhỏ khác nhau, nhưng luôn có các phần chính gồm: Khoe sắc, tế lễ, lễ hội và rước Cộ. Thường vào chiều ngày 10/01 m lịch diễn ra phần khoe sắc. ban khoe sắc tập trung trước sân đền, xếp hai hàng cùng với cờ, quạt, chiêng, trống, chờ ông thủ sắc vào lễ Bà để nghinh sắc ra khỏi đền. Sáu thanh niên cầm cờ đi đầu đám người rước sắc, tiếp theo là tám người cầm Pê tít, bốn người cầm hèo và một người cầm trống. Tiếp sau là người già, các vị chức sắc và bà con dân làng. Gần cuối đoàn mới là kiệu khiêng sắc phong và ban nhạc. Đoàn rước đi một vòng quanh chợ rồi quay về đền. Sáng ngày 11/01 m lịch phần lễ chính mới được tổ chức. Từ sáng sớm, các đoàn người đi tế lễ Bà từ các tổ, thôn trong và ngoài khu vực đã ăn mặc áo dài khăn đóng nối nhau tề tựu về quanh lăng. Đoàn nào cũng cờ xí, chiêng trống rộn rịp. Lễ vật dâng Bà rất đơn sơ nhưng cũng đầy thành kính, thường là hoa tươi và cây trái được trồng quanh vùng. Khi lễ vật được chuẩn bị xong, buổi lễ bắt đầu bằng ba hồi trống. Không khí buổi lễ rất trang nghiêm với các nghi thức dâng hương, dâng lễ, quỳ bái cùng với tiếng xướng, tiếng chiêng trống tạo nên một khung cảnh thiêng liêng, linh ứng. kết thúc buổi lễ các lễ vật đều được đem mời dân làng và khách quý. Nghi lễ thể hiện sự biết ơn đối với công đức của các bậc tiền nhân, đồng thời qua đó thể hiện mong muốn an lành trong cuộc sống.

Không gian Chợ quê tại lễ hội.
Lễ rước Cộ là phần cuối cùng của lễ hội này. Ngày trước, xung quanh thân Cộ trưng bày các sự tích liên quan đến thần linh như hình tượng bà bằng giấy, dần dần được thay thế bằng hình ảnh các anh hùng dân tộc như Thánh Gióng, Hai Bà Trưng, Lê Lợi, Trần Hưng Đạo và cả hình ảnh Bác Hồ... do các em nhỏ tại địa phương đóng. Mỗi bàn Cộ là một tác phẩm nghệ thuật mang giá trị nhân văn sâu sắc, vừa là loại hình mang giá trị diễn xướng cao. Chính chất diễn xướng dân gian của nghệ thuật chưng Cộ đã biểu lộ nét đẹp chân chất và óc sáng tạo độc đáo của các nghệ nhân trong không gian quen thuộc đối với cuộc sống hàng ngày. Cho nên, từ trăng sao, sông núi, con thuyền, cỏ cây..., cho đến các con vật như rùa, chim đại bàng, hổ, ngựa,... đều sử dụng những vật liệu dễ kiếm, phổ biến ở địa phương như: vải, sơn, bột màu, hồ dán, tre, trúc, bông, giấy... Ngoài ra, các nghệ nhân còn vận dụng những công nghệ hiện đại để chưng Cộ với mục đích không làm mất đi tính tự nhiên và luôn phù hợp với nội dung của cốt truyện, tạo cho nghệ thuật chưng Cộ trong lễ hội Bà Chợ Được vừa mang tính truyền thống vừa mang tính hiện đại. Để có các bàn Cộ rước cầu kỳ và sinh động này, những nghệ nhân làng Phước Ấm đã phải bắt tay vào thực hiện ngay từ mùng 3 Tết và phải hoàn tất mọi công đoạn trước đêm mùng 10 tháng Giêng. Đêm mồng 10 tổ chức rước thử, đến đêm 11 mới rước thật. Cộ được rước quanh chợ rồi sau đó diễu hành theo những con đường chính của xã để bà con chiêm ngưỡng, theo dọc đường ĐT 613 lên UBND huyện Thăng Bình và sau đó quay về vị trí xuất phát. Đám rước đi đến đâu, hàng ngàn người rộn ràng, náo nức chuyển động đi đến đó hòa cùng tiếng trống múa lân náo nhiệt và ánh đuốc sáng rực. Trên hành trình đoàn rước Cộ đi qua, các gia đình đều bày sẵn hương án, hoa quả nghinh đón. Lễ hội rước Cộ Bà Chợ Được kết thúc trước khi đoàn rước Cộ trở về đền. Bởi vì “mê Cộ” mà nhiều người ở trong và ngoài tỉnh Quảng Nam cùng rủ nhau tụ về Chợ Được trong dịp lễ hội. Nét độc đáo của hội rước Cộ một phần được thể hiện bởi những người đi xem cũng đồng thời là người sắm các vai trong bàn Cộ. Họ vừa có thể là nhân vật chính, vừa là người hưởng ứng, vừa là Cộ vừa là dân. Đặc trưng riêng của các bàn Cộ trong lễ hội Bà Chợ Được là các trò diễn trên Cộ đều quay lại hướng phía sau, người xem đứng dọc theo hai bên đường để chiêm ngưỡng. Khi đoàn Cộ diễu hành di chuyển luôn đều đặn, không bị ùn tắc như cảnh thường thấy khi rước kiệu của một số lễ hội truyền thống. Nghệ thuật chưng Cộ trong lễ hội Bà Chợ Được là những giá trị văn hóa phi vật thể đã được đúc kết qua thời gian dài, được người dân địa phương sáng tạo trong quá trình lao động, sản xuất và sinh hoạt. Tinh hoa văn hóa ấy được hình thành và trở thành một nhu cầu không thể thiếu về tâm linh trong cộng đồng xã hội. Điều đó chứng tỏ Cộ là loại hình nghệ thuật trình diễn được kế thừa, bảo tồn và phát huy, luôn mang tính bền vững trong kho tàng văn hóa phi vật thể dân gian Việt Nam. Dù chỉ có quy mô địa phương nhưng lễ hội rước Cộ Bà Chợ Được thực sự đã có sức sống lâu dài trong dân gian vì những sắc thái thiết thực của nó. Đó không chỉ là sự ngưỡng vọng của dân chúng đối với công đức của Bà, mà qua lễ hội tính cộng đồng xóm làng càng thêm bền chặt. Hầu như những tệ nạn ăn theo, chặt chém du khách, mâm cao cỗ đầy rượu thịt không hề xuất hiện nơi đây dù đời sống người dân bây giờ đã phát triển hơn trước. Với họ, lễ rước cộ Bà là một hoạt động tín ngưỡng tâm linh thuần túy, là dịp để tỏ lòng tri ân công đức tiền nhân, những người đã có công khai sơn phá thạch vùng đất này.