Âm Lịch 16/1

Lễ hội rước hến làng Mai Xá

Lễ hội Bắt đầu ngày 16/1🌙 Âm lịch 1 ngày

người làng Mai Xá (Gio Mai, Gio Linh, Quảng Trị) nổi tiếng vì sự gan dạ như đá vùng Hảo Sơn (Gio Sơn, Gio Linh) cực kỳ rắn chắc “Gan Mai Xá, đá Hảo Sơn”; đặc biệt là câu chuyện hai người con của làng làm cách mạng bị giặc Pháp chặt đầu bêu giữa chợ, hai bà mẹ đã mang khăn gói đến đòi đầu con đem về mai táng, được nhạc sĩ Phạm Duy ca ngợi trong bài hát "Bà mẹ Gio Linh". Nhưng mỗi khi nhắc đến tên làng Mai Xá thì người ta liên tưởng ngay đến làng nghề cào hến và lễ hội rước hến đặc sắc có từ lâu đời. Lễ hội rước hến gắn bó với sinh hoạt, đời sống, phong tục, tín ngưỡng của cư dân làm nghề trên sông nước, đồng thời thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, cúng dâng trời đất cầu cho con hến sinh sôi nảy nở để người làm nghề kiếm kế sinh nhai. Lễ hội văn hóa dân gian đặc sắc Lễ hội rước hến làng Mai Xá được tổ chức định kỳ 3 năm một lần; tuy nhiên, hàng năm vào ngày 16 tháng giêng âm lịch, những người làm nghề cào hến lại tổ chức thêm lễ rước hến tại vịnh nước sâu (chỗ sông Thạch Hãn và sông Hiếu gặp nhau), nơi con hến sinh sôi nảy nở, rước về trước khúc sông đình làng, nơi dòng sông rộng, cát mịn bằng phẳng cho khai thác hến quanh năm. Ngày khởi đầu nghề, bất cứ ai làm nghề gì cũng có lễ cầu may. Cào hến là nghề trên sông nước, rủi may vô thường tùy thuộc vào thiên nhiên, do đó lễ hội rước hến càng được người làm nghề quan tâm.

anh-bai-1.jpg

Theo quan niệm của bà con, lễ để cúng dâng trời đất, cầu cho mưa thuận gió hòa, sông nước yên bình, con hến sinh sôi nảy nở cho người làm nghề thêm sản vật. Còn hội là để giải trí đối với người đang sống, lao động làm nghề, đồng thời để mua vui với những vong hồn rủi ro trận mạc trên sông, đắm ghe, đắm tàu không tìm về được. Hội rước hến làng Mai không chỉ quy tụ những người làm nghề tham gia mà còn cuốn hút nhiều người ở khắp nơi đổ về cùng dự. Trước lễ diễn ra một ngày, tức ngày rằm tháng giêng, tại đình làng có lễ yết gồm: nhang, đèn, trầu rượu và mâm ngũ quả, do ông Hội chủ (trưởng làng) và những vị cao niên đứng ra xin cáo thổ thần để mở hội. Xong lễ có đội chèo cạn hoặc đội múa náp, múa lân biểu diễn, tạo cho không khí hội hè thật sự náo nhiệt. Sáng ngày 16 tháng giêng chính thức đi vào lễ hội. Ngay từ sáng sớm, tại bến sông đình làng, hàng chục chiếc thuyền nghề được trang trí cờ hoa rực rỡ, mỗi thuyền có 4 người ăn vận đủ sắc màu giống đội đồng náp ngày xưa trong các lễ hội cung đình vào thế ổn định chờ ông Hội chủ lệnh xuất bến. Đoàn thuyền bơi thành hàng dọc ngược lên mạn phía Tây khoảng hơn 1 km thì đến đoạn 2 con sông gặp nhau và tổ chức lễ rước hến. Trước khi vào lễ, đoàn thuyền tham dự xếp thành hình bán nguyệt quanh cái chòi đã được dựng trước ở giữa sông, hướng lên phía Tây để lễ tế. Lễ kéo dài khoảng 30 phút, khi tuần rượu thứ ba kết thúc, một hiệu chuông kéo dài, lúc này dàn bát âm hòa âm với điệu nam khách, bình bán, các thuyền dự hội chuyển động lướt nhẹ theo hình vòng tròn quanh chòi lễ tế 3 vòng, vừa chèo vừa thả hương hoa xuống dòng sông và hát điệu hò đưa linh: “ Dòng là dòng sông xanh/ sông xanh bốn mùa/ ngày lại ngày trên dòng sông thấm lạnh/ trời đất thiêng sinh con hến nuôi ta/ dân đào tản về nơi này sinh sống (…)Thạch Hãn, đó đây dòng xanh sông Hiếu/ ngọn nguồn xa nước đổ về khơi/ nhân duyên gặp sinh thành con hến/ người xa khuất về lại miền sông nước/ để âm dương cùng hòa hợp bên nhau/ rước con hến về lại mùa sinh nở ”. Đoàn thuyền bơi cuối vòng thứ ba thì xếp thành hàng dọc trở về bến sông đình làng, người trên thuyền múa hát theo điệu kim tiền, lưu thủy hòa quyện trong giọng đàn, nhịp trống, còn ông chủ lễ bốc hến rải xuống sông, cứ như thế cho đến khi thuyền cập bến sông. Đây gọi là “Gieo giống mùa sau”. Khi đoàn thuyền cập bến, lư hương được đưa lên đình làng, phần lễ kết thúc chuyển sang phần hội. Hội là những trò chơi dân gian được tổ chức dưới nước như: đua ghe, kéo co, đô vật, thi bơi, thi lặn, đi cầu khỉ, đập om, nhảy bao bố, bắt vịt trên sông, rang lạc trên ghe di động… Các trò chơi áp dụng cho cả nam lẫn nữ, trò nào cũng rất vui và khó chơi, thể hiện sự khéo léo và kinh nghiệm sinh hoạt trên sông nước mới có thể chiến thắng. Điển hình như trò rang lạc trên ghe di động, mỗi ghe có 3 người, người thứ nhất gánh đôi quang gánh đứng trụ giữa ghe, một đầu là củi, đầu kia là soong rang lạc; người thứ hai đi dưới nước cầm bó đuốc đun vào soong; người thứ ba vừa đẩy ghe vừa rang lạc. Thể lệ đua quy định 3 vòng 6 tao, cự ly 100m, nếu ghe nào về đích sớm mà lạc chín thì đạt giải. Đây là trò chơi sôi nổi nhất dành cho nữ giới của hội rước hến, thể hiện tài đun nấu và chèo ghe trên sông nước. Tuy nhiên, trò chơi này người tham gia rất ít thành công vì dễ bị lật ghe. Lễ hội rước hến làng Mai Xá là nét đẹp văn hóa lễ hội dân gian ở làng quê vùng sông nước, thể hiện tín ngưỡng và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của cư dân làm nghề trên sông đối với tiền nhân, tổ nghề, chia sẻ buồn vui với những người đang sống và tưởng nhớ những người đã khuất trên môi trường sông nước. Nguy cơ bị thất truyền? Lễ hội rước hến làng Mai Xá là lễ hội dân gian truyền thống có từ lâu đời, gắn với lịch sử lập làng và nghề cào hến trên sông của bộ phận cư dân cần lao làm nghề cào hến trên sông. Trước năm 1945, quy mô của lễ hội tổ chức rất lớn, mặc dù điều kiện kinh tế của người dân lúc bấy giờ không đồng đều, phần lớn là người nghèo. Nhưng bù lại, làng có quỹ đất trên 10 mẫu ruộng, hàng năm cho dân làng đấu lấy tiền để lo hương sự. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, làng ít có điều kiện để tổ chức lễ hội này do dân tình khốn khó; mặt khác, kẻ địch cấm không cho người dân cào hến trên sông cũng như tổ chức lễ hội vì sợ ta đặt mìn đánh tàu, hay chèo thuyền đi lại để hoạt động cách mạng. Sau ngày hòa bình lập lại, kinh tế của làng còn khó khăn nên hàng năm đến ngày lễ hội rước hến, chỉ những người làm nghề cào hến gom góp tiền lại mua lễ vật để cúng tổ xuất nghề, ý thức về lễ hội truyền thống đã lắng nguội trong tâm thức của người dân. Theo ông Vũ Mạnh Thi, người chuyên nghiên cứu và sưu tầm các lễ hội văn hóa dân gian ở Quảng Trị, hiện đang sống ở làng Mai Xá, thì nghề cào hến làng Mai Xá có lúc thu hút đến 478 người tham gia, bằng 82% lao động trong làng, nhưng đến năm 2000, làng mới tổ chức được một lần lễ hội rước hến. Tuy nhiên, do kinh phí ít, buộc phải cắt xén cả phần lễ lần phần hội nên không gây được dấu ấn đậm nét trong đời sống tinh thần của người dân. Thậm chí, bây giờ hỏi về lễ hội rước hến của làng, ngay cả những người chuyên làm nghề cào hến trên sông cũng không biết. Nếu không kịp thời phục hồi, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của lễ hội rước hến truyền thống làng Mai Xá, chỉ một trong vài năm nữa, khi những vị cao niên trong làng qua đời hết thì nguy cơ lễ hội rước hến sẽ bị thất truyền. Cùng với sự phát triển của lịch sử, các lễ hội dân gian truyền thống đã góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị tinh hoa văn hóa, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Lễ hội rước hến làng Mai Xá là nét sinh hoạt văn hóa lễ hội dân gian đặc sắc của một bộ phận cư dân làm nghề và gắn bó với sông nước, cần được phục dựng và bảo tồn cho con cháu mai sau.

anh-bai-2-1.jpg

 

Thông tin chi tiết

Thời gian sắp diễn ra
0Ngày
0Giờ
0Phút
0Giây

Tác giả

Ngô Thị Đào

Đề xuất

Hạn chế

📅 22/02/2025 🌙 25/01/2025