Lễ hội Sayangva của đồng bào Chơro

Lễ hội

              Lễ hội Sayangva là phong tục truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số Chơ’ro được tổ chức hàng năm vào tháng 3 âm lịch hằng năm sau khi bà con thu hoạch xong mùa màng. Thông lệ hàng năm, lễ hội thường diễn ra vào hôm trăng sáng. Già làng và bà con trong buôn mang các lễ vật như: rượu cần, cơm lam, thịt thú rừng... tổ chức lễ tạ ơn thần linh đã cho một mùa bội thu và cầu xin mưa thuận gió hòa để mùa vụ năm sau nhà nhà được no đủ.

              Tín ngưỡng nguyên thuỷ của dân tộc Chơ-ro là thờ đa thần với quan niệm mọi vật đều có linh hồn. Một trong các thần được người Chơ-ro xem trọng nhất là thần lúa tức Yangva được cúng định kỳ hàng năm. Già làng và bà con mang các lễ vật như: rượu cần, cơm lam, thịt heo, gà, vịt... tổ chức lễ tạ ơn thần linh đã cho một mùa bội thu và cầu xin mưa thuận gió hòa để mùa vụ năm sau nhà nhà được no đủ.

u_66f2de18208eb2.36293058.jpg

                                       (Hình ảnh: Nghi thức dâng lễ vật cúng thần)

              Lễ vật gồm một đùi heo phía chân sau, giữ nguyên đuôi; một nửa con gà nhưng giữ nguyên phần đầu và đĩa đựng một số đồ lòng của con vật như gan, cật, một ít thịt chặt rời. Các phần thịt để tươi. Thầy cúng bày lễ vật phía dưới ban thờ Nhang cùng với một ổ bánh dày và các loại củ nầu chín (nần, mì, chụp). Sau đó, người phụ cúng đem đĩa thịt ra xâu vào hai xiên tre (mỗi xiên tre xâu riêng biệt thịt heo, gà).

              Trước bàn Nhang, các già làng trình dâng phần lúa mới, lễ vật và thành tâm cầu khấn thần linh, tổ tiên, cầu cho mưa thuận, gió hòa, đất nước được bình yên, mùa màng bội thu, con cháu khỏe mạnh, buôn làng ấm no, hạnh phúc. Sau đó, tất cả cùng nhau uống rượu cần và múa hát…

              Từ sáng sớm, hàng trăm người Chơ-ro đã tập trung tại nhà già làng, trong không khí rộn rã tiếng cười, những người đàn ông, đàn bà cùng nhau làm những món ăn truyền thống của người Chơ ro như: bánh dày, cơm lam, nấu canh bồi….Kết thúc bài cúng của già làng, khi tiếng cồng vang lên, người Chơro bắt đầu buổi tiệc, uống rượu cần, cồng chiêng được tấu lên. Những người đánh vừa đi vừa đánh chung quanh nhà sàn. Một số phụ nữ, trẻ em Châu Ro hát, múa những bài hát của dân tộc mình. Tiếng đàn tre, khèn môi hay kèn lúa được nhiều người khảy, thổi để cầu phúc, chúc lành cho nhau đến khi tiệc tan.

              Dưới bếp thì tấp nập việc nấu nướng, còn ngoài sân, những thanh niên nam, nữ Chơ-ro nhiệt tình tham gia các trò chơi dân gian như kéo co, đẩy gậy, đập bong bóng… trong sự cổ vũ nồng nhiệt của mọi người. Đặc biệt, tiếng cồng chiêng vang lên giục giã để báo với thần linh, tổ tiên và cho cả dân làng trong ngày hội lớn. Các hoạt động vui chơi tại lễ hội được kéo dài cho đến tận đêm khuya, mọi người Chơ-ro tập trung bên bếp lửa, cùng nhau hát múa, uống rượu cần.

u_66f2de3c7a2a17.25503451.jpg

                                 (Hình ảnh: Người dân uống rượu cần, đánh cồng chiêng)

              Theo già làng, bà con muốn cảm ơn thần linh, tổ tiên đã phù hộ gia đình, làng bản bình an, mùa màng, nương rẫy, cây trái tốt tươi. Dân làng làm heo, gà, bánh trái… tạ ơn thần linh, tổ tiên về cùng dự lễ cúng này và tiếp tục phù hộ, giúp đỡ tất cả mọi người trong làng bản.

              Dù ở đâu, làm gì lúc ở nhà hay làm rẫy, lúc lên rừng hay xuống suối đều được thần linh gìn giữ bình an, không bị bệnh tật, ma quỹ làm hại, người trong gia đình từ già đến trẻ đều mau mắn. Cầu xin thần linh cho cây cối, lúa rẫy trồng có mưa, gió thuận hòa, giúp đỡ từ gốc tới ngọn, không bị thú dữ phá hư, mùa màng, thú nuôi không có dịch hại.

              Đêm xuống, tại khoảng sân trước nhà, người Châu Ro đốt lửa cùng nhau tiếp tục nhảy múa, hát ca. Những người đánh cồng vừa đi quanh đống lửa vừa đánh tấu lên tiếng cồng rộn rã. Họ đi theo chiều ngược kim đồng hồ, đánh tấu cồng theo vòng tròn từ ngoài vào cho đến sát gốc cây nêu. Giàn chiêng treo được những người phụ nữ đánh tấu lên hòa nhịp trong các điệu múa của các cô gái. Riêng những người già thì ngồi bên chum rượu cần và hát đối – một tục lệ cổ xưa nhất của người Chơro mà ít người còn giữ được.

               Sau 3 năm ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, lễ hội Sayangva năm nay được tổ chức mở rộng có sự tham gia của đông đảo đồng bào người Cho-ro cũng như người dân trong và ngoài địa bàn xã, đã tạo không khí vui tươi phấn khởi, gắn kết trong các tầng lớp nhân dân. Trước kia lễ hội chỉ có đồng bào người Chơ’ro tham dự. Sau này, có sự quan tâm, tương hỗ của các cấp chính quyền địa phương và các ban ngành chức năng, lễ hội được mở rộng hơn trong cộng đồng và thu hút nhiều người dân địa phương tham gia. Điều này đã góp phần thắt chặt tình đoàn kết giữa cộng đồng; đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí; khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước. Ðồng thời, khích lệ đồng bào các dân tộc thiểu số cùng chung sức xây dựng một nền văn hóa Việt Nam thống nhất trong đa dạng, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

              Tham gia lễ hội của dân tộc mình, chị Thị Tuyền người dân ấp Lác Chiếu, xã Bảo Quang vui mừng cho biết: “Bản thân em cũng là người đồng bào dân tộc Cho ro trên địa bàn của xã Bảo Quang TPLK. Thuộc thế hệ trẻ thì em cũng luôn tiếp thu và giữ gìn truyền thống quý báu của ông cha ta, đặc biệt là người đồng bào của thế hệ trước, để duy trì và bảo tồn, đặc biệt là lễ hội của người đồng bào dân tộc Chơ-ro sẽ không bị mai một. Bản thân em cũng rất vui mừng cũng như hãnh diện khi mình là một trong những gương mặt trẻ để cùng với người đồng bào dân tộc Chơ-ro trên địa bàn cùng nhau phát huy truyền thống của người đồng bào dân tộc Chơ-ro trên địa bàn xã”

              Những năm qua, các vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố Đồng Nai luôn nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương các cấp. Thành phố tập trung mọi nguồn lực để hỗ trợ vùng đồng bào các dân tộc về cả vật chất lẫn tinh thần, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Việc duy trì, tổ chức các lễ hội văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc nhằm góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống.

 

Thông tin chi tiết

Địa điểm

Tỉnh Đồng Nai

Tác giả

Nguyễn Thị Thanh Hiền

Đề xuất

Hạn chế

📅 22/02/2025 🌙 25/01/2025