Âm Lịch 14/1

Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh

Lễ hội Bắt đầu ngày 14/1🌙 Âm lịch 3 ngày

Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh được biết đến là một lễ hội vô cùng đặc sắc để bạn khám phá, tìm hiểu thêm về nét văn hóa, truyền thống của người dân xung quanh núi Tản Viên (Ba Vì) cũng như khu vực lân cận. Lễ hội không chỉ có nhiều màu sắc, hoạt động ca múa, mà còn có nhiều trò chơi dân gian thú vị và hấp dẫn chờ du khách khám phá.

     Tản Viên Sơn Thánh, hay còn được người đời biết đến dưới cái tên Sơn Tinh – Một vị thần trong truyền thuyết mà ắt hẳn bất kỳ người Việt Nam nào cũng biết “Sơn Tinh, Thủy Tinh”. Ông là vị thần cai quản núi Ba Vì (Tản Viên), cũng chính vì thế mà có tên là Tản Viên Sơn Thánh. Ông được xem là hàng đệ nhất trong 4 vị thánh bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt, bên cạnh Thánh Gióng, Chữ Đồng Tử và Mẫu Liễu Hạnh (Mẫu Thượng Thiên). Trong dân gian cũng có tương truyền rằng ông là một trong 50 người con của Âu Cơ theo mẹ lên núi. Tuy nhiên cũng có người cho ra, Sơn Tinh là người có thực, đến từ tầng lớp nghèo khổ, thấp kém trong dân chúng rồi hóa thần. Ông cũng là người giúp cho lãnh thổ nước Văn Lang lúc bấy giờ không bị Thủy Tinh nhấn chìm, “nước dâng đến đâu, núi dâng đến đó”.

Phần hội diễn ra với rất nhiều các trò chơi và các hoạt động thể thao, văn hóa diễn ra mang đậm nét văn hóa dân tộc của đồng bào Mường, Dao như: bắn nỏ, cờ tướng, bóng chuyền nam, ném còn…

     Theo truyền thuyết, vùng núi Ba Vì và tâm thức dân gian Xứ Đoài xưa, Đức Thánh Tản Viên Sơn sống vào thời Hùng Duệ vương thứ 18. Ngài là hiện diện của Tam vị sơn thần: Tuấn Công, Sùng Công và Hiển Công đã được lưu truyền hàng ngàn đời trường tồn cùng lịch sử văn hóa dân tộc. Núi Ba Vì, ngọn núi từ lâu được nhân dân coi là "Núi Tổ của nước Nam ta", là ngọn núi thiêng, ở đó có hồn cốt văn hóa là hình tượng Tam vị Đức Thánh Tản Viên Sơn và cụm di tích đền Thượng - đền Trung - đền Hạ phụng thờ Ngài.

     Việc thờ cúng, tế lễ để tưởng nhớ Đức Thánh Tản Viên Sơn đã ăn sâu vào đời sống nhân dân. Hằng năm dân dân và chính quyền địa phương tổ chức Lễ hội Tản Viên Sơn vào dịp rằm tháng Giêng, bởi theo tương truyền trong dân gian, Đức Thánh Tản sinh đúng ngày Rằm tháng Giêng. Từ xa xưa, vào những ngày này, nhân dân các dân tộc khu vực núi Ba Vì thường tổ chức lễ hội, lễ dâng hương, dâng các nông sản do chính người dân làm ra lên Đức Thánh để tri ân công đức của Ngài và cầu cho mưa thuận, gió hòa, nhân cường, vật thịnh, dân sinh ấm no, hạnh phúc.

     Thủ đô Hà Nội được biết đến là vùng đất nghìn năm Văn Hiến, nên các văn hóa lễ hội Hà Nội cực kỳ đặc sắc và đa dạng. Đến với các huyện, xã vào từng thời điểm nhất định, bạn sẽ trải nghiệm được nhiều loại lễ hội khác nhau. Trong đó, một lễ hội được rất nhiều người dân đón chờ và tham dự chính là lễ hội Tản Viên Sơn Thánh ở vùng đất linh thiêng Ba Vì.

     Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh thường được tổ chức vào ngày 14 tháng Giêng hàng năm – Đây cũng là ngày sinh của Sơn Tinh. Tuy nhiên tùy theo tình hình từng năm mà huyện Ba Vì có thể thay đổi ngày tổ chức lễ hội, dời lên sơm hơn trước vài ngày. Trong những năm gần đây, lễ hội đã và đang từng bước khôi phục các nghi thức truyền thống để nâng tầm vị thế lễ hội văn hóa tâm linh vùng đất Ba Vì, cũng như nhằm thu hút sự quan tâm của cộng đồng và du khách thập phương đến và trải nghiệm, tham quan. Trong nghi lễ rước liên vị cung nghinh Tản Viên Sơn Thánh (từ Đền Hạ) về đến Đền Lăng Sương thuộc tỉnh Phú Thọ. Ngoài ra, lễ rước kiệu, được trang bị các đồ lễ từ đền Lăng Sương về đền Hạ, đã được trùng tu sau nhiều năm tạm dừng. Ngoài ra, Ban tổ chức còn tập trung tổ chức lễ rước nước Sông Đà tại bến sông thôn Cốc Đồng Tâm, thị trấn Minh Quang (trước đền Hạ) để làm lễ mộc dục.

Lễ rước nước sẽ được diễn ra vào đúng 0 giờ đêm ngày 14 tháng Giêng. Nhân vật chính để thực hiện nghi lễ sẽ gồm một cặp thiện nam – thiện nữ tài sắc vẹn toàn, nhân thân tốt đã được qua tuyển chọn gắt gao từ trước. Đi theo tháp tùng sẽ là lãnh đạo địa phương, chủ nhang đền Hạ và quần chúng nhân dân hoặc khách du lịch bốn phương. Đoàn người sẽ được một chiếc thuyền đưa ra giữa dòng sông Đà trong đêm tối để lấy nước. Theo tục lệ dân gian xưa truyền lại rằng, người nam sẽ phải múc 7 gầu nước, người nữ sẽ múc 9 gầu như câu truyền miệng “nam 7 vía, nữ 9 vía”. Nước được đem từ giữa dòng sông dâng lên bao sái các đồ thờ tự tại đền Hạ. Sau nghi thức tế lễ tại đền Hạ kết thúc thì vào khoảng 5 giờ sáng cùng ngày, lễ rước nước thiêng từ đền Hạ được dâng lên đền Trung bắt đầu khởi hành. Bên cạnh kiệu rước nước thiêng sẽ còn có kiệu lễ chay và kiệu lễ mặn gồm các lễ vật dâng cúng thần gồm lợn, gà, bánh chưng, bánh dày, hương hoa, oản, quả.

     Tiếng chiêng trống nổi sẽ từ từ nổi lên từ trong đền, sau đó lần lượt từng dòng người đi theo trong tiếng nhạc. Dẫn đầu sẽ là thanh niên trai tráng khênh kiệu, lọng, cờ hoa. Việc được khênh kiệu chẳng phải là một điều dễ dàng, ai cũng được chọn đâu nhé. Vì thế những người được chọn khênh kiệu trong đội rước sẽ là niềm vinh dự cho bản thân còn khiến gia đình “nở mày nở mặt”. Kế theo sẽ là các cụ bô lão trong làng và người dân, khách du lịch địa phương, ngoài nước. Đoàn rước cứ đi qua thôn nào, dân làng thôn đó lại nhập vào đoàn rước, cứ thế kéo dài tới vài cây số. Trống hội rền vang, lễ rước được tổ chức hoành tráng. Cả vùng trời không gian dưới chân núi Ba Vì tưng bừng không khí nhộn nhịp, rộn ràng lễ hội, cầu mong Đức Thánh Tản Viên phù hộ cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt để nhân dân có cuộc sống ấm no.

     Tại lễ hội Tản Viên Sơn Thánh, nhiều trò chơi dân gian và các hoạt động giao lưu văn nghệ, thể thao cũng được tổ chức để du khách có thể tham gia thử sức. Các trò chơi như đẩy gậy, leo núi, cờ tướng, kéo co, ném còn, cà kheo, bắn nỏ, chọi gà, bóng chuyền, bóng đá… được tổ chức sôi động dưới sự tham gia của nhiều người. Duy trì được lễ hội như ngày hôm nay cũng góp phần không nhỏ vào việc bảo tồn, phát huy nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Ngoài ra còn giúp việc du xuân, trẩy hội của người dân và du khách dịp đầu năm thêm phần vui tươi, ý nghĩa.

     Tản Viên Sơn Thánh tượng trưng cho ước vọng chinh phục tự nhiên, chiến thắng thiên tai. Thánh Tản Viên là vị thánh đầu tiên được nhắc đến trong tâm thức dân gian của người Việt, là vị thánh biểu đạt cho khả năng sáng tạo to lớn của dân tộc Việt Nam trong chiến đấu chống thiên tai, lũ lụt để bảo vệ mùa màng và cuộc sống cho nhân dân. Tín ngưỡng thờ Tản Viên Sơn Thánh khẳng định và tiếp nối việc bảo tồn, phát huy vai trò của Tản Viên Sơn Thánh được hình thành vào thời kỳ đầu của nền văn hóa và văn minh của người Việt; Góp phần khẳng định về sự tồn tại của thời đại Hùng Vương, nhà nước đầu tiên trong tâm thức của người Việt.

     Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh được tổ chức hằng năm đã trở thành một nét sinh hoạt văn hóa tinh thần đối với người dân địa phương. Qua đó góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của cha ông để lại, từng bước phục dựng có chọn lọc các nghi thức lễ hội truyền thống, đáp ứng nhu cầu văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân địa phương và phát triển kinh tế - xã hội của huyện Ba Vì.

Thông tin chi tiết

Thời gian sắp diễn ra
0Ngày
0Giờ
0Phút
0Giây

Tác giả

NGÔ TRÍ BÌNH

Đề xuất

Hạn chế

📅 22/02/2025 🌙 25/01/2025