Âm Lịch 15/5

LỄ HỘI THẢ DIỀU HÒA HẬU

Lễ hội Bắt đầu ngày 15/5🌙 Âm lịch 1 ngày

  Thú chơi diều và lễ hội thả diều ở Hòa Hậu có từ bao giờ thì không ai nhớ rõ. Theo ông Trần Duy Đáp, 88 tuổi, người được mệnh danh có “đôi tay vàng” bởi thâm niên làm ra những cánh diều nhiều lần đoạt giải cao thì từ những ngày còn thơ ấu ông đã theo chân các bác, các anh đi thả diều. Thời đó, đàn ông, con trai ở Hòa Hậu, gần như ai cũng biết làm diều. Trẻ con làm những chiếc diều nhỏ xinh, người lớn thì làm những chiếc diều sải cánh lớn hơn.

“Người Hòa Hậu thả diều quanh năm, chỉ cần thời tiết đẹp, có gió nhẹ là mang diều ra đồng thả, nhưng đông vui nhất thường vào tháng 5 âm lịch, khi dân làng đã hoàn tất thu hoạch vụ chiêm. Tiếng sáo vi vu, trầm bổng như những bản hòa tấu còn vang vọng trong những đêm trăng hiền hòa, thơ mộng nơi làng quê yên bình, tĩnh lặng. Từ chỗ ngấm ngầm đua xem ai làm được diều to, đẹp, tiếng sáo hay, dần dà theo đề xuất của người dân, chính quyền địa phương đã tổ chức hội thi để các “tay chơi” có dịp tranh tài”, ông Đáp kể.

Hình dáng của diều Hòa Hậu có hình thoi. Khi bay trên cao, cánh diều thanh thoát, phẳng phiu, khi hạ xuống, cánh diều lao vút như một mũi kiếm. Để làm ra một chiếc diều rất công phu, tỉ mỉ, phải hàng chục ngày miệt mài mới xong. Tre được chọn là những cây tre già, thẳng, mịn, mấu đều, có độ cứng, dẻo, bền. Sau khi đã pha, chẻ, chuốt thì phơi khô rồi gác lên gác bếp (khoảng 5-6 tháng) nhằm loại bỏ mối mọt để khi chế tạo khung diều sẽ có độ cân bằng nhất định. Tre được vót tròn đều, nhỏ hơn chiếc đũa và được vót nhỏ dần ra phía hai đầu nhằm tạo được độ cứng nhưng lại mềm mại, có thể uốn cong được. Trước đây cánh diều làm bằng giấy dó, còn nay làm bằng vải may, trang trí hoa văn có sự phối mầu hài hòa. Việc gài sáo vào diều cũng là cả một nghệ thuật, mỗi diều thường từ 1-3 sáo. Nếu chơi “sáo một” thì sáo đó phải kêu to, âm thanh chuẩn, còn với “sáo đôi, sáo ba” hoặc dàn sáo thì âm thanh các sáo phải hòa quyện với nhau.

2/Sau thời gian gián đoạn, năm 2000, lễ hội thả diều được khôi phục và duy trì hằng năm vào ngày Rằm tháng 5 âm lịch. Ngoài sự tham gia của 10 cánh diều đại diện cho 10 xóm trong xã, còn có sự giao lưu của một số CLB diều sáo trong và ngoài tỉnh, thu hút hàng nghìn người dân tới xem.

Sau lễ tế thành hoàng, cầu mong mưa thuận, gió hòa, đời sống nhân dân an khang, thịnh vượng, phần hội diễn ra với nhiều trò chơi dân gian như đi trên cầu thăng bằng, bịt mắt đánh trống, đi trên cầu kiều trên cạn và dưới nước, thi bắt vịt… Đến 15 giờ chiều, các đội tập hợp về nhà văn hóa xã, dự lễ khai mạc hội thi thả diều. Ban tổ chức kiểm tra diều của từng xóm xem có đúng tiêu chuẩn quy định không. Mỗi xóm tham gia chỉ được thả một diều duy nhất nhưng hầu hết các xóm đều chuẩn bị hai đến ba diều dự phòng. Cuộc thi kéo dài 60 phút trong tiếng reo hò, cổ vũ nồng nhiệt của nhân dân và du khách. Diều đoạt giải cao nhất phải đáp ứng được các tiêu chí: hình thức đẹp, bay cao nhất mà không chao đảo, tiếng sáo hay nhất, khi thả có sự phối hợp nhịp nhàng giữa người thả và người kéo dây. Sáo càng to và diều mang nhiều sáo, tiếng sáo trong và vang xa hơn thì được điểm cộng. Phần thưởng cho đội thắng cuộc không lớn nhưng mang ý nghĩa khích lệ tinh thần, khẳng định kỹ thuật làm diều của từng xóm. Và dù xóm nào được trao giải thì người dân Hòa Hậu cũng hân hoan, phấn chấn.

Ông Trần Văn Khải, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Hậu cho biết: “Trước đó hằng tháng, người người, nhà nhà trong các xóm đã dốc sức chuẩn bị diều thật đẹp để dự thi. Các trục đường chính của xã đều trang hoàng rực rỡ pa-nô, áp-phích, khẩu hiệu... Những người con quê hương sinh sống ở nơi khác lại có dịp hẹn nhau hội ngộ. Nhiều du khách chọn đến thăm Khu tưởng niệm nhà văn, liệt sĩ Nam Cao, thăm nhà Bá Kiến vào dịp lễ hội thả diều để có thêm những trải nghiệm độc đáo, thú vị”.

         Sáng ngày 15 tháng 5 âm lịch, làng sẽ bắt đầu hội thi diều lớn. Sau một hồi trống chiêng nổi lên giòn giã. Ban chủ khảo cùng các đấu thủ đều ăn mặc chỉnh tể, đẹp, đầu có chít khăn, áo dài, quần bó. Mỗi đội dự thi đều có 3 người, 1 người cầm dây diều, 1 người điều khiển diều và 1 người đâm diều lên cao. Khi các đấu thủ đã vào vị trí được đánh dấu trên cánh đồng làng, ban chủ khảo sẽ thắp hương xem như tính giờ. Mỗi một hồi trống nổi lên thì loa cũng bắt đầu gọi, diều của các giáp cũng đồng loạt lao lên, ăn dây. Người điều khiển diều phải giật dây liên tục, chỉnh dây để diều lên thật từ từ. Khi diều no gió sẽ lao vút lên cao, bay trên tầng không rồi dần dần nhỏ dần, nhỏ tới khi trông chỉ như một chiếc lá. Tiếp đó lại nổi một hồi trống nữa, tiếng loa truyền: Loa! Loa! Các diều đấu dây vào nhau để chuẩn bị chấm giải. Trên cánh đồng rộng, các đấu thủ sẽ đi về một điểm. Trong sân đình, các thành viên ban chủ khảo sẽ bàn bạc để chấm giải cho diều của các giáp. Sau đó, diều sẽ được lệnh cho hạ xuống. Cách mặt đất khoảng 30 mét, diều phải được điều khiển làm để lao xuống thật nhanh như một mũi tên bắn thẳng, cắm dựng đứng trên cánh đồng. Xong xuôi các đấu thủ sẽ cùng trở về sân đình để nghe chủ khảo tuyên bố điểm và giải thưởng.

Thông tin chi tiết

Thời gian sắp diễn ra
0Ngày
0Giờ
0Phút
0Giây

Tác giả

Nguyễn Thị Yến

Đề xuất

Hạn chế

📅 22/02/2025 🌙 25/01/2025