
Nhằm thực hiện đạo lý của dân tộc Việt Nam “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”; đồng thời giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ nối tiếp và tri ân thế hệ những người đi trước có công khai hoang lập ấp, giữ yên bờ cõi Tổ quốc.
Sáng ngày 25/3, Đoàn Đảng - Dân – Quân – Chính huyện Thanh Bình và họ tộc của Thượng tướng Quận công Trần Văn Năng đã đến dâng hương tưởng nhớ công lao của Thượng tướng nhân Lễ giỗ lần thứ 189 của ông tại ấp Nam, xã Tân Thạnh, huyện Thanh Bình. Đến dự có ông Đinh Văn Dũng – Trưởng Ban Nội chính Tỉnh uỷ, lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Đại biểu dâng hương và dâng các phẩm vật tại đền thờ Thượng tướng
Tại đây, các đại biểu đã cùng nhau ôn lại tiểu sử của Thượng tướng quận công Trần Văn Năng, dâng hương và dâng các phẩm vật lên cúng vị tướng anh hùng dân tộc.
Lễ giỗ ông được diễn ra trong 03 ngày, từ ngày 24 - 26/3 (nhằm ngày 15 - 17/02 âm lịch) với nhiều hoạt động đa dạng. Ngoài phần lễ, Ban tổ chức lễ hội còn tổ chức các hoạt động như: Triển lãm ảnh, sách về thành tựu phát triển kinh tế - xã hội huyện; triển lãm tư liệu về Thượng tướng Quận công Trần Văn Năng; trưng bày gian hàng sản phẩm OCOP, nông sản, đặc sản địa phương v.v..
Trong những ngày diễn ra lễ giỗ, Ban tế tự Đền thờ cũng tổ chức gói bánh tét, làm bánh xèo để dâng cúng ông; đồng thời, nấu hàng ngàn xuất cơm phục vụ khách thập phương đến viếng.

Lễ thỉnh sắc thần tại lễ giỗ Thượng tướng Quận công Trần Văn Năng (ảnh internet)
Trần Văn Năng (người huyện Vĩnh Xương tỉnh Khánh Hòa, có sức vóc, giỏi võ nghệ, qui thuận Nguyễn Ánh năm 1777). Là quan đại thần triều Nguyễn, do lập được nhiều công lao được phong chức Thượng tướng quận công. Năm Minh Mạng thứ 16 (1835) trên đường công cán, đến Bến Siêu (ở trên Cửa Thuận, tỉnh An Giang – nay thuộc huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) bị bệnh và qua đời, hưởng thọ 72 tuổi. Do lòng ngưỡng mộ tài đức và những linh ứng độ trì dân làng nơi ông mất khi xưa, nên hàng năm, chính quyền địa phương và gia đình thân tộc tổ chức lễ kỷ niệm ngày mất của ông, giáo dục truyền thống cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Các lễ hội trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đều nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân trong hoạt động lễ hội truyền thống dân gian. Thông qua các hoạt động nhằm tuyên truyền những giá trị lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh tiêu biểu góp phần giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau; quảng bá tiềm năng du lịch, giới thiệu bản sắc văn hóa truyền thống của quê hương, con người, thiên nhiên và các sản phẩm du lịch tới du khách, từng bước xây dựng và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch đặc trưng mang đậm bản sắc văn hóa của Đồng Tháp.
Các hoạt động được tổ chức tại lễ hội còn góp phần quan trọng trong việc quảng bá hình ảnh, tiềm năng du lịch và các giá trị văn hóa của địa phương, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, đạo lý uống nước nhớ nguồn, tinh thần tương thân tương ái, gắn bó đoàn kết cộng đồng cho các thế hệ, một số hoạt động văn hóa truyền thống được khôi phục hoặc hoạt động văn hóa mới được đưa vào hoạt động lễ hội và được cộng đồng hưởng ứng tích cực. Việc tổ chức lễ hội đã tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để nhân dân thật sự là chủ thể của hoạt động lễ hội; chủ động, sáng tạo, tham gia tổ chức, đóng góp sức người sức của cho các lễ hội truyền thống, coi đây là nghĩa vụ, quyền lợi và trách nhiệm của cá nhân đối với tổ chức và cộng đồng.