
Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung là một trong những lễ hội lớn của cả nước, là bức tranh về đời sống tinh thần phong phú, sinh động và mang giá trị văn hóa sâu sắc của người Việt cổ trong việc khai phá đầm lầy, phù sa ven sông Hồng từ hàng nghìn năm về trước. Đây không chỉ là nơi lưu truyền, lan tỏa huyền thoại về một tình yêu cao đẹp, thiêng liêng giữa chàng trai nghèo Chử Đồng Tử và công chúa Tiên Dung (con gái Vua Hùng thứ 18) mà còn là nơi giáo dục truyền thống hiếu thảo, tình cảm nhân văn và lòng nhân ái cho các thế hệ sau. Lễ hội cũng thể hiện khát vọng của Nhân dân cầu cho mưa thuận, gió hòa để cấy cày thuận lợi, xóm làng yên vui, ấm no và hạnh phúc.
Lễ hội truyền thống Chử Đồng Tử - Tiên Dung năm nay được tổ chức theo quy mô hàng tổng (3 năm một lần) với sự tham gia của 9 làng trong Tổng Mễ xưa, nay là 9 thôn thuộc 2 xã Bình Minh, huyện Khoái Châu và xã Mễ Sở, huyện Văn Giang.
Trong ngày đầu diễn ra lễ hội, các thôn tiến hành rước kiệu Thành Hoàng các làng về đền Đa Hòa, xã Bình Minh dự lễ hội; dâng hương tế lễ Thánh. Ngoài phần lễ, trong thời gian diễn ra lễ hội còn có các trò chơi dân gian truyền thống, giao lưu văn nghệ, thể thao như: Cờ tướng, bơi chải, hát ca trù, hát trống quân, thi múa rồng…
Điểm nhấn trong lễ hội năm nay là lễ rước nước, du thuyền trên sông Hồng. Lễ hội diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 1 đến ngày 3/3 (tức từ ngày 10 đến ngày 12/2 âm lịch). Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung là lễ hội tình yêu độc đáo nhất cả nước, không chỉ là nơi thờ cúng tâm linh mà còn là điểm du lịch, tham quan thu hút đông đảo du khách khi đến với Hưng Yên.
Tại buổi lễ, đại diện huyện Khoái Châu công bố Quyết định số 153/QĐ-BVHTTDL ngày 2/2/2023 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chứng nhận Lễ hội đền Đa Hòa, xã Bình Minh, huyện Khoái Châu và xã Mễ Sở, huyện Văn Giang được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là động lực để chính quyền và nhân dân địa phương tiếp tục gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của di sản trên địa bàn.
Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung là một trong những lễ hội lớn của cả nước, tái hiện lại bức tranh về đời sống tinh thần phong phú, sinh động và mang giá trị văn hóa sâu sắc của người Việt cổ trong việc khai phá, tạo dựng và phát triển cuộc sống ven sông Hồng.
Lễ hội là sự kiện văn hoá quan trọng nằm trong chương trình lễ hội văn hoá cấp tỉnh của tỉnh Hưng Yên, hưởng ứng Năm du lịch quốc gia đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng 2023. Lễ hội được tổ chức ở cả 2 di tích: đền Đa Hòa (xã Bình Minh) và đền Hóa (xã Dạ Trạch). Tương truyền, ngôi đền Đa Hòa là nơi mở đầu cho thiên tình sử đẹp nhất trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam, giữa công chúa Tiên Dung và chàng trai đánh cá nghèo Chử Đồng Tử (sau này được người dân tôn là Đức Thánh Chử Đồng Tử). Trong khi đó, ngôi đền Hóa ở xã Dạ Trạch, theo truyền thuyết, là nơi Chử Đồng Tử cùng nhị vị phu nhân hóa về trời. Đền Đa Hòa và đền Hóa đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia vào các năm 1962 và 1988.
Năm nay, tại đền Đa Hòa, lễ hội được tổ chức theo quy mô hàng tổng (3 năm tổ chức một lần), lớn nhất từ trước đến nay. Lễ hội đã thu hút sự tham gia của các làng trong tổng Mễ xưa (tổng Mễ xưa có 8 làng, nay thêm ấp Đồng Quê là đơn vị hành chính mới thành lập), nay là 9 thôn thuộc 2 xã: Bình Minh (Khoái Châu) và Mễ Sở (Văn Giang).

Mở màn lễ hội là đội hình rước kiệu thành hoàng các làng về đền Đa Hòa. Đi đầu đoàn rước là con rồng dài hơn 20m được các thanh niên thay nhau múa theo điệu trống thúc liên hồi. Tiếp theo sau là đoàn người cầm cờ hội, trống chiêng, gươm trường bát bửu, đội múa sinh tiền, đội múa nón, đội nhạc lễ,…
Sau phần lễ là phần hội với các hoạt động, như: múa rồng, múa sinh tiền, diễn xướng dân gian, các trò chơi dân gian (cờ người, bắt vịt, đi cầu kiều,…), văn nghệ, thể thao,…thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương.
Ông Nguyễn Như Đăng, Chủ tịch UBND xã Dạ Trạch, cho biết: "Lễ hội năm nay với quy mô rộng lớn, nội dung phong phú, rước kiệu ra sông lấy nước về tế Thánh, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, mang đậm tính truyền thống, tính dân tộc được tái hiện lần lượt trong 3 ngày lễ hội".
Những hoạt động trong 3 ngày lễ hội mang đến cho du khách những ấn tượng khó quên: "Tôi thấy lễ hội rất náo nhiệt, tưng bừng. Tôi được xem rước nước từ sông Hồng vào đền; thấy rất ấn tượng. Đây là lễ hội quy mô lớn của Hưng Yên. Tôi mong muốn người dân địa phương sẽ duy trì truyền thống và ngày càng phát triển lễ hội ở quy mô lớn hơn nữa để du khách gần xa biết đến một di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia;"
"Tôi tham gia rất nhiều lễ hội khác rồi nhưng đến đây, tôi cảm thấy du khách thập phương rất đông, mọi người đều rất háo hức, chào đón việc lễ hội là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia."
Mang đậm những giá trị văn hóa truyền thống, đặc sắc của Đồng bằng Bắc Bộ, Lễ hội đền Đa Hòa, xã Bình Minh và Lễ hội đền Hóa ở xã Dạ Trạch, đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm nay. Các quyết định này thể hiện sự tri ân sâu sắc của thế hệ hôm nay với các giá trị di sản lịch sử, văn hóa, tinh thần mà cha ông để lại.
Tại đền Đa Hoà
Từ sáng sớm ngày 10 tháng 2, cuộc rước kiệu của 9 xã xuất phát từ nhiều hướng theo đê sông Hồng tiến về đền Đa Hoà. Đoàn rước của các xã mỗi khi gặp nhau đều có nghi lễ chào. Tới điểm quy định đoàn rước của xã Đa Hoà (nơi có đền Đa Hoà) ra nghênh đón và nhập vào thành một đoàn rước lớn tiến về đền làm lễ. Thứ tự đoàn rước quy định như sau: Hoàng Trạch, Đồng Quê, Bằng Nha, Phú Thị, Phúc Trạch, Thiết Trụ, Nhạn Tháp, Đa Hòa và cuối cùng là Mễ Sở.

Đoàn rước của 9 xã tuần tự tiến vào đền trong niềm hân hoan của khách hành hương trẩy hội. Sau khi an vị thánh tại ban thờ các tôn thần, kiệu cùng các đồ rước tập kết tại nơi quy định, thành viên các đoàn rước và khách hành hương ra sân đại tế để làm lễ khai hội.
Sau lễ khai hội, dâng hương là các trò chơi dân gian, các trò vui diễn ra cả ngày lẫn đêm trong những ngày hội.
Tại đền Dạ Trạch
Sáng ngày 10 tháng 2, đoàn rước nước của xã Dạ Trạch và 4 xã bạn (Hàm Tử, Yên Phú, Đông Tảo, Tứ Dân) thuộc huyện Khoái Châu, Hưng Yên được cử hành từ đền Dạ Trạch tiến về phía sông Hồng lấy nước.

Mở đường cho đoàn rước là con rồng dài trên 20m được ba chục thanh niên khoẻ mạnh thay nhau múa theo điệu trống thúc liên hồi khiến cuộc rước thật tưng bừng. Tiếp theo sau là hai hàng các bà, các chị, các cô trang phục đủ màu rực rỡ tay cầm cờ hội (cờ ngũ hành, cờ tứ linh...); trống chiêng; ngựa hồng, ngựa bạch; lỗ bộ, gươm trường bát bửu; phường đồng văn; đội múa sinh tiền, đội múa nón, con đĩ đánh bồng, đội nhạc lễ (bát âm); kiệu rước chóe đựng nước; kiệu rước gậy có nón úp trên đầu gậy, biểu tượng gợi nhớ uy linh của thánh Chử; kiệu đức thánh Chử Đồng Tử; hai kiệu rước nhị vị phu nhân; kiệu rước “Bế ngư thần quan”. Xen vào đội hình là các đội tế, các bô lão trong trang phục lễ hội truyền thống đi hộ giá kiệu. Các tàn, tán, lọng đi hai bên che cho kiệu.
Ra đến sông Hồng đoàn rước xuống thuyền. Đoàn thuyền của 5 xã thuộc huyện Khoái Châu xuôi sông Hồng đón đội hình rước của xã Mai Động (tỉnh Hưng Yên) và hai xã Khai Thái, Tự Nhiên (của tỉnh Hà Tây) ghép thành một đội hình lớn. Một cuộc trình diễn du thuyền trên sông và làm lễ lấy nước ở giữa sông Hồng. Kết thúc việc lấy nước đoàn rước lên bờ và rước nước về đền. Khoảng 11h30’ đoàn rước nước về tới đền vừa kịp giờ khai hội.Sau khi kiệu rước nước được đưa vào an vị trong đền, các kiệu rước thánh an vị tại sân đền, đội hình ổn định, các đại biểu đến dự đầy đủ. Đoàn rồng tiến qua Cầu Tiên vào cửa đền cúi lạy thánh sau đó lui ra, đoàn múa sinh tiền, múa nón biểu diễn trên cầu.